Cảnh nữ công nhân ôm con chờ người yêu, chờ chồng là hình ảnh thường thấy ở các khu nhà trọ. “Mỗi khu nhà trọ đều có 1-2 nữ công nhân có con bị người yêu hoặc chồng bỏ rơi” – một cán bộ phụ nữ ở Bình Dương cho biết
“Biết là ở chung với nhau là bị anh ấy đánh không thương tiếc, em hận nhưng vẫn chờ đợi. Giống như em mắc nợ anh ấy vậy. Vừa rồi, em ôm con lặn lội xuống Vũng Tàu tìm anh ấy nhưng không gặp, uổng 500.000 đồng chi phí” – chị N.T.T.P, người lớn tuổi nhất trong khu phòng trọ công nhân (CN) bên hông KCN Đại Đăng – Bình Dương, vừa kể vừa khóc. Cùng khu trọ với chị P. còn có 4 cô CN khác cũng đều sống cảnh ôm con chờ kẻ phụ tình.
Nạn nhân của “họ Sở”
Phải nhờ đến chị Bùi Thị Thanh Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một – Bình Dương, dẫn đi, tôi mới tiếp cận được những CN ôm con chờ chồng trong khu phòng trọ bên hông KCN Đại Đăng. Buổi tối, đường đến khu trọ rất heo hút. Hơn 10 phòng trọ hiện ra trong ánh điện chập chờn không đủ sáng. Mỗi phòng rộng chưa tới 10 m2. Mỗi nữ CN có con ở một phòng với giá tiền 250.000 đồng/tháng. “Thấy CN bị phụ bạc, con cái nheo nhóc nên chị Hà, chủ khu phòng trọ này, mới lấy giá rẻ vậy” – chị Thanh Phương cho biết.
Trong khu nhà trọ vang lên tiếng khóc, tiếng gọi mẹ của những đứa trẻ. Dù đã tối nhưng 2 phòng của 2 nữ CN có con bị người yêu bỏ rơi vẫn khóa trái vì họ tăng ca chưa về. “CN không chồng mà có con ở khu trọ này là dân tứ xứ, từ Bến Tre, Đồng Tháp đến Hà Tĩnh, Nam Định… Hoàn cảnh hẩm hiu giống nhau nên chúng tôi thương nhau lắm” – chị B.T.T.H, quê Nam Định, vừa bồng con vừa giới thiệu những người bị phụ bạc như mình.
H. có khuôn mặt khá đẹp, hiện là CN của một công ty gỗ với mức lương hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Người trong khu trọ đồn đại H. sống với một người đàn ông và bị bỏ rơi khi mang thai nhưng có lẽ do ngại ngùng nên lúc nói chuyện với tôi, cô bảo: “Em thấy không hợp nên bỏ anh ấy rồi ôm con đi”.
Trẻ nhất trong 5 người con gái hẩm hiu này là nữ CN 20 tuổi Đ.T.D.N. Ôm đứa con trai 2 tuổi của mình vào lòng, N. ngượng ngùng kể chuyện tình chớp nhoáng giữa cô và một người đàn ông: “Anh ấy tán tỉnh em rồi hai đứa ở cùng phòng trọ. Em mang thai, anh ấy bảo bố mẹ không chấp nhận. Rồi anh ấy bỏ đi mất tăm, nghe nói là xuống Vũng Tàu làm ăn”.
Đầy rẫy con rơi
Đêm ở khu trọ “vọng phu” bên hông KCN Đại Đăng, chị Thanh Phương và tôi biết được một món ăn mới là hoa huệ luộc. Ngồi thu lu trong góc phòng trọ, mẹ con chị P. lặt từng búp hoa huệ cho bữa ăn cuối ngày. “Hoa huệ mà cũng ăn được sao?” – chị P. ngạc nhiên. Nữ CN bị người tình bỏ rơi cho biết: “Hấp hay luộc ăn đều ngon chị à. Hôm qua là ngày rằm, người ta cúng hoa huệ trên chùa và cắm ngoài đường nhiều lắm. Em vừa xin về để dành ăn”.
Không chỉ ở khu phòng trọ này, cảnh “vọng phu” đang lan tràn quanh KCN Đại Đăng và nhiều khu trọ khác ở Bình Dương. “Mỗi khu nhà trọ có 1-2 nữ CN có con bị người yêu hoặc chồng bỏ rơi” – chị Thanh Phương cho biết. Như để minh chứng lời mình, chị bấm điện thoại gọi đến người quen ở các khu trọ khác rồi đưa cho tôi nghe. Từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng một cô gái: “Khu trọ em có CN N.T.L, bị người yêu bỏ rơi vừa ôm con về quê”. Một chủ phòng trọ khác lại cất giọng buồn buồn: “Chỗ tôi có con T., con L. …, đều là CN may, cũng không chồng mà có con”. Một phụ nữ ở khu phố 8, phường Phú Lợi, tiết lộ: “Bên cạnh khu trọ của tôi có con bé mang thai được 4-5 tháng thì bị người yêu bỏ. Bố mẹ từ quê vào thăm biết chuyện, bắt con bé phá nhưng thai lớn quá. Thế là bố mẹ bắt con bé khăn gói về quê”…
Hội LHPN phường Phú Lợi được lãnh đạo Hội LHPN Bình Dương đánh giá là một trong trong những cấp hội hoạt động sôi nổi nhất tỉnh. Phường có 9 chi hội nữ CN nhà trọ với trên 300 thành viên. “Cứ tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần là tụi tôi lại quy tụ chị em CN để chỉ dẫn cách phòng tránh thai, cảnh báo phá thai có thể gây vô sinh, nhắc nhau gìn giữ truyền thống của người phụ nữ VN rằng không nên vứt bỏ con hoặc không chồng mà để có con… Song, đâu phải mình nói gì CN cũng nghe, cũng làm theo!” – chị Phương băn khoăn.
“Né” đăng ký kết hôn
N. là cô gái từ miền Tây đến Bình Dương làm CN và trọ tại khu phố 9, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một. Trong chuỗi ngày mưu sinh ở Bình Dương, N. sống cùng một nam CN quê Ninh Thuận. Đám cưới được tổ chức nhưng N. và người yêu vẫn chưa chính thức thành vợ chồng vì chưa đăng ký kết hôn. Khi N. mang thai 4 tháng, chỉ vì cãi vã chuyện cơm áo gạo tiền mà nam CN kia đã dứt áo ra đi.
Chị Bùi Thị Thanh Phương cho biết tình cảnh như N. khá phổ biến trong giới CN. CN không đăng ký kết hôn vì họ sợ bị đuổi việc khi về quê làm giấy tờ, sợ tốn thời gian, tốn tiền… Cuộc sống lứa đôi của CN vì không đăng ký kết hôn nên không thể ràng buộc về mặt pháp lý. Dù đã có con với nhau nhưng chỉ cần xích mích nhỏ, người đàn ông cũng có thể “quất ngựa truy phong”. “Theo tôi, nếu nam nữ CN có giấy chứng nhận độc thân thì cơ quan chức năng cần tạo điều kiện giúp họ làm giấy kết hôn tại nơi đăng ký tạm trú để phần nào ngăn chặn được tình trạng bỏ rơi con”- chị Thanh Phương nhận xét.