Trạng thái tâm lý của người mẹ khi mang thai không tốt sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thai nhi, và ảnh hưởng đến cả tâm tính đứa trẻ sau khi ra đời. Chính vì vậy, việc tạo tâm lý thoải mái cho thai phụ trong suốt thai kỳ là việc rất quan trọng.
Chị Minh Phương (27 tuổi) cho biết: “Từ ngày mang thai mình thấy mình hay cáu gắt, bực bội. Ai đụng đến 1 chút là nhăn nhó rồi. Nhất là cái khoản mệt mỏi, mà cứ mệt là than thở với chồng. Chồng lại la cho vì bảo như thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến con, nhưng không biết có đúng như thế không?”.
Còn anh Hoàng Khang (32 tuổi) thì tỏ ra lo lắng: “Vợ tôi mang thai lần đầu nên tôi cũng không có kinh nghiệm chăm sóc bà bầu. Nhưng sao tôi thấy bả khó chịu quá, tính tình thay đổi thất thường, lúc nóng giận, lúc lại mít ướt như trẻ con, chẳng biết đâu mà chiều. Cứ thế này, không biết có bị ảnh hưởng gì đến con không?”.
Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Hồng Hà – PGĐ trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết: “Phụ nữ trong giai đoạn mang thai thường có khá nhiều những biến đổi trên cơ thể về cả tâm và sinh lý. Trạng thái tâm lý cũng trải qua từng giai đoạn khác nhau và mang tính thất thường. Trạng thái tâm lý không tốt và không ổn định cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thai nhi, và còn ảnh hưởng đến cả về tâm tính đứa trẻ sau khi ra đời. Chính vì vậy, việc tạo tâm lý thoải mái cho thai phụ trong suốt thai kỳ là việc rất quan trọng”.
Việc tạo tâm lý thoải mái cho thai phụ trong suốt thai kỳ là việc rất quan trọng.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hà cũng phân tích và đưa ra những lời khuyên giúp các thai phụ có thể cân bằng tâm lý theo từng gia đoạn mang thai:
Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ
Khi mới biết có thai, người phụ nữ thường trong trạng thái hồi hộp, lo sợ, tình cảm vui buồn lẫn lộn. Cộng với việc ốm nghén, nhiều thai phụ cảm thấy mệt mỏi dẫn đến khó tập trung và cáu kỉnh, dễ quên. Thời gian này cũng là giai đoạn người phụ nữ lo lắng vì có thể xảy ra tình trạng sảy thai bất cứ lúc nào.
Giai đoạn này thai phụ cần lưu ý
– Nếu đã quyết định sinh con thì thai phụ nên xác định mình sẽ “sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách”.
– Hỏi bác sĩ, tham khảo sách và những người có kinh nghiệm đi trước để biết tình trạng của mình cũng là bình thường như nhiều người khác. Hãy tin rằng việc ốm nghén cũng chỉ kéo dài mấy tháng đầu và nên lập một chế độ ăn uống, làm việc mới phù hợp với điều kiện sức khỏe hiện tại. Cần giữ gìn để không bị cảm cúm.
– Tuân thủ những chỉ dẫn của dân gian, của y tế như: đi đứng chậm lại, mang dép thấp, tránh trơn trượt, không với cao, không leo trèo, mang vác nặng … để tránh nguy cơ sẩy thai. Nhớ đi khám đúng kỳ để được tiêm ngừa, được theo dõi bởi bác sĩ sẽ tạo tâm lý yên tâm.
– Nên mạnh dạn, nhẹ nhàng đề nghị chồng và người nhà giúp đỡ để tránh quá mệt mỏi, căng thẳng.
– Chủ động quan tâm và bàn bạc với chồng về “chuyện ấy”, tạo sự chia sẻ, thông cảm giữa hai vợ chồng vì nếu không quan tâm và chủ động sắp xếp thì đây cũng là yếu tố gây căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng.
Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ
Giai đoạn này người phụ nữ đã bớt lo lắng về tình trạng sảy thai và có tâm lý ổn định hơn, bắt đầu cảm nhận được sự có mặt của em bé qua những cử động của thai nhi. Vì vậy người mẹ thường phát sinh những tình cảm đặc biệt với bé. Tuy nhiên, sự thay đổi về hình dáng, trọng lượng cơ thể vào lúc này cũng ít nhiều làm cho người phụ nữ cảm thấy lo lắng. Việc chú trọng vào chế độ ăn sao cho cung cấp đầy đủ dinh dưỡng ở giai đoạn này cũng khiến người phụ nữ thấy bất an.
Giai đoạn này thai phụ cần lưu ý
– Lựa chọn đồ bầu thích hợp theo sở thích. Đồ bầu có nhiều mẫu mã đẹp khiến cho các bà bầu mặc vào rất duyên dáng, ưa nhìn, làm cho phụ nữ mình tự tin hơn. Nếu khả năng tài chính eo hẹp thì mua khoảng 3 bộ là có thể mặc được cho đến khi sinh.
– Bắt đầu tưởng tượng hình ảnh một bé con. Quan tâm và lôi cuốn người chồng vào việc trò chuyện âu yếm với đứa bé trong bụng. Điều này khiến cho mẹ thư giãn và là một hoạt động “thai giáo” có ích cho thai nhi.
– Cùng chồng mua sắm đồ dùng, chuẩn bị ‘ổ’ cho bé. Cùng chồng xây dựng kế hoạch chăm sóc nuôi dưỡng bé, nghĩ tên sẽ đặt cho bé,… Treo và ngắm hình ảnh vợ chồng, hình ảnh em bé dễ thương,… để tạo cảm giác thư giãn, ấm áp.
– Hết ốm nghén là lúc thai phụ cần lập một chế độ ăn uống sinh hoạt mới để lấy lại sức, bồi bổ cho thai nhi phát triển.
– Giai đoạn này thai phụ vẫn cần chú ý việc đi đứng cẩn thận, đi khám thai đúng định kỳ.
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ
Giai đoạn này người mẹ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi và lo lắng, hoang mang vì sắp phải đối mặt với một sự kiện lớn trong đời. Đôi khi không biết cần chuẩn bị những gì (kể cả việc chuẩn bị tiền bạc, đồ đạc cho bé…), giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều phụ nữ có thể phát sinh tâm lý buồn chán, cô đơn.
Giai đoạn này thai phụ cần lưu ý
– Thời kỳ này thai đã lớn, nặng nề nên lập chế độ ăn uống, sinh hoạt mới: ăn làm nhiều bữa, ngủ nằm nghiêng, nên có gối nhỏ kê dưới bụng để giấc ngủ được thoải mái.
– Chuẩn bị tâm lý cho việc sinh con: cần nghĩ rằng nhiều người làm được mình cũng làm được. Bản năng làm mẹ của mình và tình thương yêu sẽ giúp mình sớm thích nghi với hoàn cảnh khi bé ra đời. Nhớ chia sẻ với chồng, người thân những cảm nhận của mình để được thông cảm, giúp đỡ.
-Tham khảo tài liệu, những người đi trước, hoặc tham gia các lớp học tập dành cho thai phụ: tập thở, tập đẻ không đau… đi bộ vừa sức để dễ sinh, biết cách nhận biết dấu hiệu sanh để chủ động đến bệnh viện.
– Chuẩn bị sẵn đồ dùng để khi đi sanh mang theo để lúc đó không phải lo lắng, cập rập.
– Bàn với chồng kế hoạch công việc khi sinh em bé: sắp xếp công việc của chồng, ai là người chăm sóc trong một hai tháng đầu: bà nội, bà ngoại hay người làm?
– Xác định cho con bú sớm để tận dụng sữa non và làm tăng sự gắn kết tình mẫu tử.