Những phẫu thuật can thiệp trước sinh đã được GS Toshio Chiba, Trung tâm quốc gia về phát triển và sức khỏe trẻ em, Nhật Bản, trình bày tại hội nghị phẫu thuật nội soi châu Á – Thái Bình Dương (diễn ra từ ngày 25 đến 27-11 tại Hà Nội).
GS Chiba (trái) trò chuyện với đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt Đức
Bên lề hội nghị, ông Chiba nói với Tuổi Trẻ:
Những cải tiến trong chẩn đoán trước sinh, đặc biệt với việc sử dụng rộng rãi siêu âm làm tăng khả năng chẩn đoán dị tật. Mặc dù việc chỉnh sửa phần lớn dị tật tốt nhất vẫn bằng các phương pháp phẫu thuật, điều trị thích hợp sau khi sinh, tuy nhiên một số trường hợp vẫn cần tiến hành can thiệp trước sinh vì tình hình được cải thiện đáng kể.
Can thiệp khắc phục dị tật thai nhi bắt đầu phát triển tại Mỹ cách đây 20 năm. Khoảng 10 năm trước kỹ thuật này bắt đầu xuất hiện ở châu Âu và Nhật Bản, với hai lĩnh vực can thiệp: vào thai nhi dị tật hoặc nhau thai các thai nhi dị tật. Trong đó, Mỹ và châu Âu can thiệp vào thai nhi, Nhật Bản chú trọng can thiệp nhau thai. Tại Nhật Bản, chúng tôi đã phát triển thiết bị chuyên dụng sử dụng trong kỹ thuật đặc biệt này.
Những dị tật nào có thể can thiệp điều trị từ giai đoạn thai nhi, thưa ông?
GS Chiba: Chủ yếu là khiếm khuyết ở cơ hoành. Khi trẻ em có khiếm khuyết ở cơ hoành, ví dụ như thoát vị cơ hoành, các cơ quan nội tạng ở ổ bụng có thể trào hết lên phần ngực, chèn ép vào phổi khiến thai nhi gặp khó khăn về hô hấp. Một số dị tật tim mạch cũng có thể can thiệp từ giai đoạn bào thai, nhưng kỹ thuật này chỉ có thể tiến hành tại ĐH Harvard, Hoa Kỳ.
Những nguy hiểm nào có thể xảy ra trong việc can thiệp, khắc phục dị tật từ giai đoạn thai nhi? Vì sao cần can thiệp sớm mà không đợi khi bé sinh ra, can thiệp điều trị sẽ thuận lợi và an toàn hơn, thưa ông?
GS Chiba: Việc chỉnh sửa trước sinh cho vài dị tật bẩm sinh là do các kỹ thuật phẫu thuật được cải tiến bao gồm cả gây mê, quản lý sản khoa và áp dụng các thiết bị chuyên dụng mới. Những nguy hiểm có thể xảy ra là thương tổn các vùng lân cận khu vực được can thiệp.
Nhưng càng ngày với kỹ thuật càng phát triển và năng lực cũng như tay nghề của phẫu thuật viên, nguy cơ này giảm nhiều. Có những loại dị tật cần thiết phải can thiệp ngay khi bé mới sinh được hai ngày tuổi, nhưng có những loại cần phải can thiệp sớm để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi hoặc khả năng đình chỉ thai nghén. Lựa chọn này phụ thuộc chẩn đoán của bác sĩ.
Qua theo dõi những trường hợp điều trị bằng kỹ thuật này, ông thấy sức khỏe của em bé sau khi ra đời có gì ảnh hưởng?
GS Chiba: Ở Nhật đã có 16 trường hợp được điều trị, can thiệp khắc phục dị tật từ giai đoạn bào thai. Chúng tôi cũng theo dõi và thấy em bé ra đời chưa gặp ảnh hưởng gì về sức khỏe, tương tự với các báo cáo ở châu Âu.
Tại cuộc họp báo trước hội nghị phẫu thuật nội soi châu Á – Thái Bình Dương, giới y khoa VN mong muốn được chuyển giao các kỹ thuật mới phục vụ điều trị, trong đó có kỹ thuật này. Ông đánh giá khả năng áp dụng kỹ thuật đặc biệt khó khăn này ở VN như thế nào?
GS Chiba: Kỹ thuật này hoàn toàn có thể thực hiện ở VN trong điều kiện có phẫu thuật viên kinh nghiệm, có đủ thiết bị, với trường hợp trẻ em có bệnh lý phù hợp. Nếu phía VN đề nghị, tôi rất sẵn lòng hỗ trợ các bạn tiếp cận và thực hiện kỹ thuật.