Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về dân số.
Việc tổ chức Tháng hành động quốc gia về dân số hàng năm nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội… về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số – kế hoạch hoá gia đình đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, sự phát triển bền vững của dân tộc.
Đây cũng là dịp để tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế đối với công tác dân số – kế hoạch hoá gia đình của Việt Nam.
Ngày 30/11, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số các tỉnh khu vực miền núi tại thành phố Lào Cai.
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình – Bộ Y tế, từ năm 2008, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, mở ra cơ hội rất tốt để phát triển nhanh kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, dân số Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Một số kết quả đạt được trong công tác dân số chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể khiến mức sinh tăng trở lại. Bên cạnh đó, xu hướng giảm sinh quá mức có thể xảy ra do tác động của đô thị hóa và lối sống công nghiệp.
Tuổi thọ bình quân của người Việt đã đạt 72,8 tuổi ( năm 2009), song tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi và đứng thứ 116/182 nước trên thế giới. Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị mắc các bệnh di truyền, tỷ lệ chết ở trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng còn ở mức cao. Ngoài ra, trong thập kỷ qua, sự mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng nhanh. Tỷ lệ bé trai/bé gái khi sinh tăng từ 107/100 (năm 1999) lên 110,5/100 (năm 2009).