Các nhà nghiên cứu cho rằng, những đứa trẻ đã từng chứng kiến bố đánh mẹ khi còn bé sẽ có nhiều khả năng trở thành người gây ra bạo lực khi trưởng thành. Bạo lực gia đình khi đó trở thành bạo lực liên thế hệ.
Đánh cả vợ lẫn con
Kết quả Nghiên cứu quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ ở VN cho thấy, gần 25% phụ nữ có con dưới 15 tuổi tiết lộ con của họ cũng phải hứng chịu bạo lực (BL) do chính cha đẻ của chúng gây ra. Ông chồng không những “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ mà còn có hành vi BL con cái như: đe dọa, đánh đập, bóp cổ, hăm dọa, sử dụng vũ khí, thậm chí đụng chạm vào người con cái mang ẩn ý dâm ô….
Bạo lực đâu phải là sức mạnh đàn ông
Đứa trẻ thường là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp thấy cảnh BL. Đôi khi, chúng phải chứng kiến cả hành vi BL tình dục diễn ra ngay trước mặt. Chị Huệ*, một phụ nữ bị BL ở Hà Nội nức nở: “Con gái 10 tuổi đang chơi cùng bạn ở nhà nhưng chồng tôi không quan tâm, về đến nhà là anh ta đè ngửa và giật tung quần áo tôi ra. Thấy vậy, cháu nó xấu hổ, chạy đến bật đèn lên liền bị anh ta tát cho mấy cái thật đau. Nó sợ hãi im luôn không dám nói một lời”.
Các bà mẹ tiết lộ, con cái của họ từng nhiều lần chứng kiến cảnh BL diễn ra. Trẻ em thành thị phải chứng kiến BL xảy ra thường xuyên hơn so với nông thôn. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ này còn cao hơn nữa bởi lẽ, không phải lúc nào bà mẹ cũng biết con mình đang chứng kiến cảnh BL giữa hai vợ chồng.
Khoảng 1/3 phụ nữ bị BL đang sống chung với con trẻ độ tuổi từ 6-11 tuổi. Con của họ thường có những vấn đề về hành vi như: thường xuyên ác mộng, đái dầm, đặc biệt nhút nhát hoặc quá hung hăng, kết quả học tập sa sút…. Chị Linh, một phụ nữ bị BL cho biết: “Con thường xuyên bị điểm kém và không muốn đến trường. Tôi không biết làm gì để khuyến khích chúng học tập. Khi tôi đòi ly dị, đứa con thứ hai nói rằng nó sẽ rất xấu hổ với bạn bè ở trường…”.
“Lúc đến nhà trẻ đón con, tôi thấy cháu ngồi tách riêng một mình không chơi với trẻ khác. Nhìn con tội nghiệp quá, cháu nó cũng chỉ là nạn nhân”- Một phụ nữ ở Hà Nội bị chồng BL rồi mang con đi, không cho chị đến thăm con kể.
Trước tình trạng như vậy, nhiều phụ nữ cho rằng không nên cho trẻ biết về BL nhưng thường thì BL xảy ra ngay trong gia đình và chúng là người thấy rõ nhất.
Bạo lực liên thế hệ
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 19% phụ nữ nói rằng họ đã từng nghe nói hoặc thấy mẹ bị bố đánh; 11% phụ nữ cho biết mẹ của chồng cũng bị bố chồng đánh và 8,3% cho biết chồng cũng là đối tượng bị roi vọt khi còn bé.
“Đây là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của trải nghiệm thời thơ ấu. Nếu nam giới bị BL trong gia đình khi còn nhỏ thì anh ta có nguy cơ trở thành người gây BL với phụ nữ khi lớn….
Và, khi anh ta gây BL với vợ, con của anh ta cũng có thể sao chép hành vi BL của bố, bởi lẽ trẻ nghĩ rằng, những gì đang diễn ra là cách mà người lớn đối xử với nhau”- Ông Nguyễn Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường, Tổng cục Thống kê cho hay.
Cũng theo ông Phong, BLGĐ là một quá trình “học hỏi”, tiếp nối giữa các thế hệ. Những phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ thì xác suất có mẹ đẻ từng bị cha đánh đập cao gấp 2 lần các chị em khác. Nguy cơ này tăng gấp 3 lần nếu họ có mẹ chồng bị bố chồng đánh.
Tiến sĩ Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng thừa nhận: “BL là vấn đề tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, những trẻ từng chứng kiến BL khi còn nhỏ sẽ có nhiều khả năng trở thành người gây ra BL khi đã trưởng thành. Điều này cũng đúng với Việt Nam. Một gia đình mà có cả mẹ chồng, con gái và nàng dâu đều là nạn nhân của BLGĐ là cả một vấn đề đáng báo động”.
Các chuyên gia đánh giá, gia đình là cái nôi đầu tiên, gần gũi nhất giáo dục con trẻ. Vì thế, các ông bố bà mẹ phải tạo môi trường trong sạch đúng nghĩa và nói không với BLGĐ để ươm mầm xanh cho xã hội.