Câu đùa trên kênh truyền hình Saturday Night Live (Mỹ), “mọi người đều thích trẻ con, nhưng khi các bé quá tròn, thật khó mà yêu nổi”, đã phản ánh nỗi ám ảnh về tình trạng béo phì ở trẻ em.
Các em bé bụ bẫm, mũm mĩm luôn đáng yêu, xinh xắn và khiến ai cũng muốn bế. Thế nhưng, theo một tiết lộ trên chương trình Good Morning America của đài ABC thì một số bậc phụ huynh lại thực sự lo sợ khi thấy con mình có đôi má hơi phính, có cái bụng hơi to và bắp đùi mập mạp, và quyết định bắt các em theo một chương trình ăn kiêng ngặt nghèo.
Theo thông tin trên tạp chí Time, cứ 10 trẻ em dưới 12 tuổi ở Mỹ thì có 1 bé bị thừa cân, và con số đáng báo động này đã tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ qua. Mặc dù trình trạng béo phì ở trẻ em đã trở thành mối quan ngại đến sức khỏe cộng đồng trên toàn nước Mỹ, nhưng dường như trong rất nhiều trường hợp, nỗi lo của các ông bố bà mẹ được bắt nguồn từ tình trạng thực tế của bản thân chứ không phải của con mình. Bác sĩ Jatinder Bhatia (Ủy ban dinh dưỡng của Viện nhi Mỹ) tiết lộ với ABC: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng cho các bé sơ sinh hoặc một tuổi ăn kiêng chỉ bởi vì tiền sử bệnh béo phì của bố hoặc mẹ”.
Trong một trường hợp đặc biệt tồi tệ được phát hiện vào đầu năm nay, một đôi vợ chồng tại bang Washington đã bị kết tội làm con chết đói bằng cách bỏ thuốc nhuận tràng vào chai sữa của đứa trẻ để ngăn bé tăng cân.
Tất nhiên là các bậc cha mẹ nên quan tâm đến sức khỏe của con mình nhưng thực trạng các ông bố bà mẹ ép các bé mới sinh ăn kiêng đã phản ánh nỗi ám ảnh về việc giữ dáng của người dân Mỹ.
Việc các bậc phụ huynh luôn cường điệu và trầm trọng hóa những lo lắng và cảm giác bất ổn về thể trọng trước mặt các con mình, đặc biệt là khi các em còn rất nhỏ, có thể tác động xấu đến thói quen ăn uống và sự tự tin của các em sau này. Ngày càng nhiều trẻ em mắc chứng rối loạn ăn uống ở độ tuổi rất nhỏ. Một báo cáo gần đây của Viện nhi Mỹ đã cảnh báo tỷ lệ nhập viện do rối loạn ăn uống đã tăng chóng mặt trong nhóm trẻ em – tăng 119% trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2006 ở các bé dưới 12 tuổi.
Do đó, các bậc cha mẹ nên nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe để giúp các bé hình thành thói quen ăn uống tốt. “Chúng ta không nên quan niệm rằng trẻ phải thật bụ bẫm mới tốt”, thế nhưng cho các bé ăn kiêng không phải là giải pháp để tránh tình trạng béo phì. Tiến sỹ Bhatia đã đưa ra lời khuyên rằng các bà mẹ mới sinh nên nuôi con bằng sữa mẹ (một số nghiên cứu đã cho thấy rằng trẻ em bú sữa mẹ có nguy cơ bị bệnh béo phì thấp hơn các bé được nuôi bằng sữa bột) và giám sát chặt chẽ thể trọng của con mình với sự trợ giúp của các bác sỹ nhi khoa.