Mặc dù thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ trước khi sinh có thể được bù đắp sau khi trẻ chào đời nhưng vẫn ảnh hưởng rất lớn đến mô não và thần kinh không bao giờ phục hồi hoàn chỉnh.
Hậu quả của thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ sẽ tuỳ thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ: giai đoạn sớm thai kỳ có thể dẫn đến sẩy thai; giai đoạn hình thành các cơ quan của cơ thể có thể gây tật bẩm sinh; giai đoạn cuối thai kỳ sẽ làm chậm phát triển bào thai.
Một người ăn, hai người khoẻ
Nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ không phải là tổng của nhu cầu dành cho thai nhi cộng với nhu cầu cho bà mẹ, bởi khi mang thai cơ thể thai phụ sẽ điều chỉnh để tăng sử dụng dưỡng chất một cách tối đa bằng cách tăng hấp thu, giảm bài tiết và thay đổi chuyển hoá. Cơ thể phụ nữ khoẻ mạnh trước khi mang thai sẽ dự trữ nhiều loại dưỡng chất giúp thai nhi phát triển mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của mẹ. Cần lưu ý ở người vị thành niên mang thai thì nhu cầu dinh dưỡng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Dinh dưỡng rất quan trọng cho mẹ và bé
Thai nhi được nuôi dưỡng từ ba nguồn: từ chế độ ăn của mẹ, từ dự trữ của mẹ (chủ yếu từ xương, gan) và từ các dưỡng chất được tổng hợp bởi nhau. Bánh nhau kiểm soát các dưỡng chất, hormon và những chất khác (thuốc, hoá chất) đến thai nhi. Tuần hoàn mẹ và con là hai hệ thống độc lập và trao đổi thông qua bánh nhau.
Bổ sung hợp lý các dưỡng chất
Năng lượng: nhu cầu năng lượng của thai phụ tăng vì: tăng trưởng và hoạt động của thai nhi; phát triển của bánh nhau; tăng các mô của cơ thể mẹ; mẹ “mang nặng” hơn bình thường; chuyển hoá cơ bản tăng. Do đó, thai phụ cần tăng khoảng 300kcal/ngày.
Protein: lượng đạm ăn vào của mẹ ảnh hưởng đến chiều dài tiềm năng của thai nhi. Nếu lượng đạm ăn vào quá ít trong suốt thai kỳ, số lượng tế bào của mô thai nhi sẽ giảm. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với não bộ vì sẽ gây nên sự chậm phát triển không hồi phục.
Canxi: tổng lượng canxi mẹ cho thai trước khi sanh vào khoảng 30g. Một phụ nữ được dinh dưỡng tốt trước mang thai dự trữ trên 1.000g để sử dụng.
Sắt: tổng lượng sắt cần cho mẹ trong suốt thai kỳ là khoảng 840mg. Nói chung, nguồn sắt dự trữ của mẹ có thể cung cấp khoảng 300mg sắt cho thai kỳ, tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các thai phụ đều không có đủ lượng sắt dự trữ này nên thai phụ cần uống thêm viên sắt bổ sung với liều 60mg sắt nguyên tố/ngày ngay khi phát hiện có thai.
Iốt: thiếu iốt trước và trong quá trình mang thai sẽ sinh ra trẻ đần độn, nếu thiếu nhẹ thì có thể dẫn đến chậm phát triển khả năng nhận thức và vận động của trẻ. Để phòng ngừa thiếu iốt một cách hiệu quả, thai phụ nên sử dụng muối iốt hàng ngày trong ăn uống và chế biến thực phẩm.
Kẽm: thai phụ cần khoảng 15mg kẽm từ chế độ ăn hàng ngày. Thiếu kẽm thường xảy ra ở những thai phụ có chế độ ăn chủ yếu là ngũ cốc, ít thực phẩm nguồn gốc động vật, nhiều chất ức chế hấp thu kẽm hoặc thai phụ bị bệnh đường tiêu hoá ảnh hưởng đến hấp thu kẽm, hoặc đa thai. Ngược lại, nếu lượng kẽm bổ sung cao (khoảng 50mg/ngày) sẽ làm giảm hấp thu sắt và đồng. Kẽm có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật, mầm của các loại hạt.
Vitamin A: thiếu vitamin A dẫn đến sanh non, thai chậm phát triển, và sơ sinh nhẹ cân. Do đó, chế độ ăn cần có thực phẩm giàu tiền sinh tố A (rau xanh đậm, củ quả vàng cam đậm). Tuy nhiên, vitamin A liều cao có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Vitamin D: thiếu vitamin D trong suốt thai kỳ gây rối loạn chuyển hoá canxi dẫn đến hạ canxi huyết, tetany (co giật do thiếu canxi), giảm sản men răng của trẻ và chứng nhuyễn xương ở mẹ. Đối với những thai phụ không tiếp xúc ánh nắng trong suốt thai kỳ thì cần được bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, liều cao vitamin D sử dụng trong suốt thai kỳ có thể dẫn đến chứng hẹp động mạch và sự phát triển xương bất thường ở trẻ.
Folate và vitamin B12: chế độ ăn có đủ folate từ trước khi mang thai và trong giai đoạn đầu của thai kỳ sẽ phòng ngừa được khiếm khuyết ống thần kinh ở trẻ. Ở giai đoạn cuối thai kỳ, folate cần cho sự tăng trưởng của thai và phòng ngừa thiếu máu hồng cầu to ở thai phụ. Cung cấp đủ folate sẽ tránh được những biến chứng trong thai kỳ như nhau bong non, xuất huyết, sơ sinh nhẹ cân, bất thường bẩm sinh. Nhu cầu folate trong suốt thai kỳ là 400mg/ngày. Có thể tăng folate trong khẩu phần bằng cách: ăn nhiều thực phẩm giàu folate (mầm lúa mì, gan, thận, đậu đỗ, các loại hạt, rau xanh, trái cây đặc biệt là cam, dâu tây, lê, dưa hấu), ăn thực phẩm bổ sung folate, hoặc bổ sung axít folic dưới dạng thuốc. Những thai phụ ăn chay trường rất cần được bổ sung vitamin B12, là một loại vitamin chỉ có ở thực phẩm nguồn gốc động vật. Trẻ sinh ra từ phụ nữ có chế độ ăn thiếu vitamin B12 sẽ có nguy cơ cao bị chậm tăng trưởng.
Nước: thai phụ cần uống tối thiểu hai lít nước mỗi ngày. Bên cạnh nước chín, nên chọn các loại thức uống cung cấp dưỡng chất như nước trái cây tươi, sữa…
Thuốc bổ: những thai phụ có chế độ ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng (như kém dung nạp lactose, ăn chay, ăn kiêng hoặc đa thai) thì cần được bổ sung thuốc bổ đa sinh tố hoặc khoáng chất để giảm nguy cơ khiếm khuyết phát triển trí não, cải thiện chức năng miễn dịch.
Nhu cầu dinh dưỡng cho sản phụ
Năng lượng và dưỡng chất | Phụ nữ trưởng thành | Phụ nữ mang thai | Phụ nữ cho con bú |
Năng lượng (kcal) | 2.200 – 2.600 | Thêm 400 – 500 | Thêm 500 – 700 |
Protein (g) | 70 – 90 | Thêm 10 – 18 | Thêm 20 – 25 |
Vitamin A (mg) | 500 | 800 | 850 |
Vitamin D (mg) | 5 | 5 | 5 |
Vitamin E (TE, mg) | 12 | 12 | 18 |
Vitamin C (mg) | 70 | 80 | 95 |
Thiamin (mg) | 1,1 | 1,4 | 1,5 |
Riboflavin (mg) | 1,1 | 1,4 | 1,6 |
Niacin (NE, mg) | 14 | 18 | 17 |
Vitamin B6 (mg) | 1,3 | 1,9 | 2 |
Folate (mg) | 400 | 600 | 500 |
Vitamin B12 (mg) | 2,4 | 2,6 | 2,8 |
Canxi (mg) | 700 | 1000 | 1000 |
Phospho (mg) | 700 | 700 | 700 |
Sắt (mg) (*) | 30 – 60 | Thêm 15 – 30 | Thêm 15 – 30 |
Kẽm (mg) | 3 – 10 | 5 – 20 | 5 – 20 |
Iốt (mg) | 150 | 200 | 200 |
Selenium (mg) | 26 | 26 – 30 | 35 – 40 |
(*) Sự tăng nhu cầu sắt cho thai kỳ không thể đạt được bằng chế độ ăn hoặc từ dự trữ của cơ thể nên phải bổ sung 30 – 60mg sắt mỗi ngày. |