Thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010, đến nay nước ta đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tỷ lệ phát triển dân số đã giảm mạnh từ 1,7% (trong giai đoạn 1989-1999) xuống còn 1,2% (giai đoạn 1999-2009), thấp nhất trong vòng 50 năm qua… Tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản được cải thiện rõ rệt. Tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi chỉ còn dưới 16 phần nghìn…
Tuy nhiên, kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở ngày 1-4-2009 cho thấy, chúng ta đứng trước những thách thức hết sức to lớn. Giảm sinh đã làm tốt, nhưng chưa bền vững, còn 28/63 tỉnh, thành phố (chiếm 34% dân số cả nước) chưa đạt mức sinh thay thế. Trong khi chúng ta đang nỗ lực để đến 2020 đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp, thì chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp, các tố chất về tầm vóc, thể lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh đã tăng lên một cách nhanh chóng, cụ thể là, tăng từ 107 nam/100 nữ năm 1999 lên 111 nam/100 nữ năm 2009.
Trước thực trạng đó, ngày 26-11-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 6121/QĐ-TTg lấy tháng 12 hằng năm là “Tháng hành động Quốc gia về Dân số” với 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội của mỗi người dân, mỗi cộng đồng trong việc thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam. Thứ hai, tăng cường sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự giúp đỡ hợp tác của các nước, các tổ chức quốc tế đối với công tác DS-KHHGĐ, thể hiện một tinh thần xã hội hóa rất cao.
Mất cân bằng giới tính khi sinh là một vấn đề nóng, nếu không tìm cách giải quyết, sẽ để lại những hệ lụy hết sức sâu sắc. Chính vì vậy, Tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2010 có chủ đề: “Kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh-trách nhiệm của chúng ta”. Tháng hành động nhằm tập trung tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân chấp hành chính sách DS-KHHGĐ của Đảng, của Nhà nước đã ban hành, xây dựng gia đình quy mô nhỏ, coi con trai cũng như con gái. Trên cơ sở đó làm thay đổi nhận thức của người dân, để mọi người cùng hiểu được rằng: Công tác DS-KHHGĐ mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc đó là vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi con người, mỗi gia đình. Đồng thời công tác DS-KHHGĐ cũng mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của đất nước, gắn kết các cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Quyết định số 6121/QĐ-TTg cũng chỉ rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, các địa phương. Cụ thể là, Bộ Y tế, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Bộ Thông tin- Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cần dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, về những điển hình, cá nhân, tổ chức, tập thể làm tốt công tác dân số và nhân rộng những điển hình này. Bên cạnh việc giới thiệu những mô hình hay, cũng cần thẳng thắn phê phán những tiêu cực bất cập trong công tác DS-KHHGĐ.
Để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn chỉnh kế hoạch và hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương, các bộ, ngành để triển khai Tháng hành động. Tin rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ và sự vào cuộc của toàn xã hội, hoạt động DS-KHHGĐ của nước ta sẽ đi đúng hướng, hạn chế được tình trạng bùng nổ dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh.