Chị Trương Hoài Ánh (Hà Nội) cho biết nhiều người trong cơ quan chị xôn xao khi có các thông tin cho rằng đứng gần các thiết bị điện như ti vi, lò vi sóng, bếp từ sẽ có nguy cơ nhiễm bức xạ điện từ, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư. Vậy điều này có đúng không?
Lo ngại khi sử dụng ti vi, lò vi sóng
Chị Hoài Ánh chia sẻ, thời gian gần đây có nhiều thông tin truyền tai nhau rằng các thiết bị điện tử gia đình đều chứa các tia bức xạ có độc. Cụ thể, từ trường này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, như phụ nữ có thai sẽ bị sẩy thai còn người khỏe mạnh bị đau ốm, suy dinh dưỡng thậm chí gây ung thư. Các thiết bị điện được liệt kê ra như ti vi, lò vi sóng, thảm điện, máy tính và các thiết bị điện văn phòng khác…
Từ đó mọi người khuyên nhau tránh bằng các biện pháp không thực tiễn và bất lợi cho cuộc sống hiện đại như làm vành sắt xung quanh bếp từ, không nên dùng chăn hay thảm điện, không dùng máy tính…
Giữ khoảng cách 30cm trở lên đối với thiết bị văn phòng.
Theo TS Phùng Anh Tuấn, bộ môn Thiết bị điện – điện tử, khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, các thiết bị điện như ti vi, máy tính, các thiết bị văn phòng vì sử dụng điện nên có thể có bức xạ là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, mật độ bức xạ cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người là hoàn toàn không đáng lo ngại. Bởi các nguồn bức xạ này rất thấp và trong ngưỡng an toàn đối với người sử dụng. Ngoài ra, các thiết bị có độ bức xạ cao thì đã được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng ở mức cao nhất, ví dụ lò vi sóng.
Điều đáng ngại chính là nguồn bức xạ từ các nguồn bức xạ lớn như phòng chụp X-quang… bởi với mật độ bức xạ lớn sẽ làm cho tế bào con người bị đốt cháy, từ đó làm biến đổi trong cấu trúc dẫn đến nhiều nguy cơ.
Giữ khoảng cách an toàn
PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên trưởng khoa Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định các thông tin đã đưa như trên là không có cơ sở thực tế. Cụ thể, lò vi sóng có độ bức xạ trong lò khi sử dụng thuộc diện cao nhất, khoảng 2,4 GHz thì vẫn an toàn với người sử dụng. Bởi nhà sản xuất đã làm tấm lưới chắn xung quanh lò bằng các chất chống tia bức xạ nên không hề ảnh hưởng đến người đứng ngoài.
Đối với bếp từ có tần số thấp hơn lò vi sóng lại sử dụng công nghệ phát nóng do dòng điện xoay chiều nên không ảnh hưởng.
TS Anh Tuấn phân tích, tia bức xạ sẽ giảm nhanh chóng qua khoảng cách lập phương. “Theo tính toán, chỉ cần cách xa 1m đã giảm khoảng 103 lần, nên chỉ cần cách 10cm đã giảm nhiều lần. Vì thế, nếu giữ khoảng cách khi sử dụng càng tốt”, TS Tuấn khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, nên cách xa ti vi đang sử dụng khoảng 0,8m, các thiết bị điện như lò vi sóng, bếp từ khoảng 10 – 20cm, còn các thiết bị văn phòng vì còn ảnh hưởng bởi sức nóng, khí độc nên cách từ 30cm trở lên. Tất nhiên, đấy chỉ là khoảng cách nhất thời, còn khi sử dụng nên tính toán để đảm bảo an toàn nhất. Ví dụ khoảng cách ti vi phải đảm bảo từ hơn 2m trở lên để dễ xem, an toàn cho mắt, không nên đặt chỗ ngồi cạnh máy in, máy phô tô…
Đến nay vẫn chưa có khẳng định cụ thể nào về vấn đề bức xạ thiết bị điện gia đình có ảnh hưởng đến thai nhi và phụ nữ có thai. Tuy nhiên vẫn khuyến cáo phụ nữ có thai không nên ngồi quá lâu trước màn hình máy tính hoặc cách các thiết bị điện từ 10 – 30cm. Bởi những người có thai sẽ nhạy cảm và sức đề kháng yếu hơn người bình thường. |