Theo BS Bùi Thị Hương, Chủ nhiệm Bộ môn điều dưỡng sản phụ khoa (Trường CĐ Y tế Hà Nội), việc chăm sóc các bà mẹ mang thai và em bé khi sinh hiện nay đang mang tính tự phát, thiếu hụt kiến thức.
“Những kiến thức như: Dinh dưỡng khi mang thai, cách lấy hơi khi sinh, cách quấn tã cho em bé, cách cho bú… phần lớn không được đào tạo bài bản mà chủ yếu là từ truyền miệng, hoặc tự đọc sách báo áp dụng”, BS Hương cho biết.
Cần được tư vấn trước và sau sinh
Theo BS Hương, ở các bệnh viện phụ sản hiện nay, riêng việc khám, chữa bệnh cho phụ nữ mang thai đã là quá tải. Các bác sĩ không còn đủ thời gian để tư vấn hay giải đáp nhiều thắc mắc về những vấn đề ngoài bệnh lý. Điều này đã khiến phụ nữ mang thai không có kiến thức về những điều cần chuẩn bị trước khi sinh những vấn đề liên quan đến hậu sản, tâm lý sau khi sinh…
BS Hương cũng cho biết, đa phần bà mẹ mang thai không biết cách thở khi sinh em bé. Vấn đề này rất quan trọng trong quá trình sinh, vì nếu biết giữ hơi thở nhịp nhàng trong quá trình sinh sẽ giúp bà mẹ không suy kiệt sức khỏe, đứa bé cũng được đưa ra ngoài một cách thuận lợi. Trước khi sinh, phụ nữ mang thai cũng cần được tư vấn cặn kẽ những kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe sinh sản, chuẩn bị tâm lý sau sinh tránh bị trầm cảm…
BS Hương tư vấn, khi mang thai, nhu cầu về năng lượng, các chất dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn ở mức bình thường, vì nhu cầu này ngoài đảm bảo cung cấp cho các hoạt động của cơ thể, sự thay đổi về sinh lý của người mẹ còn cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Riêng với canxi, sắt và axit folic nhu cầu người mẹ mang thai cao hơn nhiều so với bình thường (thường cao gấp đôi).
Do vậy, một chế độ ăn uống bình thường sẽ không cung cấp các thành phần dinh dưỡng nêu trên nên dễ dẫn đến sự thiếu hụt. Cơ thể người mẹ có khoảng 1,2 kg canxi trong đó 99% tập trung ở xương và răng, chỉ có 1% ở trong máu và các tổ chức khác. Khi mang thai, bào thai trong bụng mẹ cần nhiều canxi để phát triển hệ thống xương. Nếu mẹ không hấp thu đủ canxi qua đường ăn uống, canxi từ cơ thể mẹ sẽ được huy động di chuyển sang thai nhi.
Trẻ có nguy cơ dị tật khi không bổ sung đủ dinh dưỡng
Qua số liệu điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia có trên 30% bà mẹ bị thiếu máu trong thời kỳ thai nghén. Quá trình tạo máu đòi hỏi sự tham gia của nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, sắt, axit folic, vitamin B6, vitamin B12… Khi mang thai nhu cầu chất sắt và axit folic cần nhiều thêm để tăng thể tích máu của người mẹ và thai nhi phát triển. Axit folic ngoài việc tham gia cấu tạo hồng cầu còn giúp cho quá trình phân chia các loại tế bào xảy ra bình thường.
Thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, làm tăng các nguy cơ sản khoa khi thai phụ sinh nở (sảy thai, băng huyết). Chất sắt phân bố đều trong thực phẩm và tỉ lệ hấp thu, sử dụng trong cơ thể rất khác nhau.
Thức ăn nguồn gốc động vật nói chung (thịt, trứng, gan…) giàu chất sắt và có tỉ lệ hấp thu cao; các loại đậu, đỗ có nhiều chất sắt và tỉ lệ hấp thu tương đối cao; các loại ngũ cốc, lương thực đều nghèo chất sắt cho nên biện pháp phòng thiếu sắt cho bà mẹ mang thai là tăng thêm các thực phẩm giàu sắt: Thịt, trứng, gan, bầu dục, đậu đỗ, đồng thời chú ý ăn thêm rau quả để có đủ vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt được tốt.
Theo TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong thời kỳ có thai, nhu cầu về axit folic (folat) tăng lên rõ rệt. Mức khuyến nghị với phụ nữ có thai là 600mcg folat/ngày (phụ nữ bình thường chỉ 280 mcg/ngày). Nếu khẩu phần ăn của người mẹ trong giai đoạn mang thai bị thiếu folat sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và phát triển thai nhi bao gồm cân nặng sơ sinh thấp, dị tật ống thần kinh (nứt ống thần kinh, thiếu một phần não, hở cột sống…) dẫn đến nhiều bệnh lý của cơ thể như bại liệt, não úng thủy, thai chết lưu…