‘Mình đi tắm mà Bibo ở ngoài gào thét khản cổ. Thành thử, phải mở cửa cho nhìn mẹ tắm, cháu mới chịu’ – Hiền (27 tuổi, Hà Nội) than thở vì bị cậu con trai (15 tháng tuổi) bám riết.
Hồi sinh Bibo (là con đầu lòng), ông bà nội ngoại ở xa, lại già yếu nên Hiền tình nguyện nghỉ việc ở nhà trông con. Chồng Hiền công tác suốt nên hàng ngày, chỉ có hai mẹ con Hiền quấn quýt với nhau. Vì thế, Bibo bám mẹ khủng khiếp.
“Đẩy xe đi chơi cũng mẹ, lau mũi, cởi giày, đội mũ… mẹ làm tất. Mình ra phía sau rửa bát, cu con cũng lon ton chạy theo. Khổ nhất là lúc tay mẹ đầy bọt rửa bát mà con cứ giang hay tay kéo quần mẹ, đòi bế” – Hiền tâm sự.
Hiền “ăn không ngon, ngủ không yên” vì con. Lúc ăn cơm, một tay Hiền giữ con, một tay và vội miếng cơm. Lúc phơi quần áo cũng phải tay bế con, tay còn lại làm việc. Khi ngủ, Hiền cũng phải ôm lấy con vì thiếu hơi mẹ là Bibo bật dậy, khóc thét. Hiền định đợi Bibo 18 tháng tuổi thì cho con đi gửi trẻ nhưng với tình trạng “bám mẹ” thế này, cô không biết kế hoạch có thành công không.
Bé My (2 tuổi) nhà Thục (25 tuổi, Hà Nội) cũng không chịu rời mẹ nửa bước. Những lúc đi vệ sinh, Thục toàn phải cho bày đồ chơi cho con vào chiếc chậu tắm khô để bé ngồi cùng mới yên chuyện. Ăn uống, ngồi bô, rửa mặt… tất cả mọi việc bé My chỉ nhờ đến mẹ. Không thấy mẹ thì bé My rất ngoan nhưng chỉ kịp thoáng có dáng mẹ đi qua là My bỏ đồ chơi, lẽo đẽo khóc đòi mẹ. Đang chơi với bố nhưng thỉnh thoảng, bé My dáo dác tìm quanh, không thấy mẹ là khóc. Thục nấu cơm thì một lát, chồng cô lại phải bế con đến nhìn mẹ thì mới yên tâm.
“Mệt với con lắm, mình chẳng làm được việc gì. Nghĩ mãi mà chưa tìm được cách để con bám ông bà hay người giúp việc đây. Cứ thế này thì mình chết mất” – Thục kêu ca.
Còn con gái Lam (Hà Nội) 28 tháng tuổi nên mới được mẹ cho “đi lớp”. Lam kể, từ trước đến giờ bé rất ngoan, ít bám mẹ nhưng kể từ khi “đi lớp”, bé cứ thấy mẹ là bám rịt. Hôm trước, mẹ đi làm về muộn, bé gào khóc đòi mẹ nên bị bố “tét” cho mấy cái vào mông. Sáng ngủ dậy cũng nhất định không cho bố mặc áo mà phải chờ mẹ. Cả nhà Lam cho rằng, tại cô chiều con quá nên con mới mè nheo, “đeo bám” như thế. Lam chưa biết làm cách nào “thoát” khỏi con bây giờ chứ muốn nghỉ ngơi vài phút, cô cũng không có.
Giai đoạn ‘bám mẹ’
Những bé ở tuổi chập chững cho đến tuổi đi mẫu giáo thích bám mẹ nhất. Bởi vì đó là khoảng thời gian bé bất an với sự xa cách. Bé sợ mẹ sẽ rời xa mình mà không trở lại nữa. Tỷ lệ bám mẹ càng cao hơn với những bé “quen hơi” mẹ từ nhỏ, ở rịt dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, ít được hỗ trợ từ ông bà, người chăm bé… Bình thường, nếu từ nhỏ bé đã quen được sự chăm sóc của ông bà hay người trông bé thì khả năng bám mẹ sẽ giảm. Bé dễ dàng vui chơi với người nhà khi có mẹ hay không.
Nhiều người mẹ chia sẻ rằng, con bám mẹ là điều bình thường. Nếu bé không bám, cứ tỉnh bơ như không, chắc sẽ khiến mẹ tủi thân. Độ bám mẹ của bé cũng theo giai đoạn vì thế, chỉ cần kiên nhẫn chờ là đâu sẽ vào đó.
Giai đoạn đầu “đi lớp”, hoặc sau khi bé bị ốm (được mẹ chăm sóc nhiều)… cũng khiến một số bé thay đổi tâm tính, bám mẹ nhiều hơn. Có thể trước đó bé chịu chơi ngoan với ông bà hay người trông bé nhưng sau giai đoạn gần gũi với mẹ (một vài ngày, hoặc kéo dài một tuần) bé trở nên bám mẹ cực kỳ. Nếu mẹ chịu khó “luyện” cho bé “hòa nhập” lại với ông bà, người thân thì bé sẽ dần quen.
Một số bé thời gian đầu “đi lớp” trở nên mè nheo, bám mẹ bởi vì sự thay đổi môi trường mới tạo áp lực lớn cho bé. Cảm giác bám mẹ giúp bé “bù đắp” lại khủng hoảng đó. Nếu kiên trì với bé thì bé sẽ sớm hòa nhập với trường lớp và ít bám mẹ hơn khi bé lớn lên.