Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 và tổ chức hội nghị triển khai từ tháng 8/2010. Cho đến nay, công tác chuẩn bị thực hiện đề án đã được các tỉnh thành trong cả nước khẩn trương xúc tiến.
Khó khăn trước mắt là điều tất yếu nhưng việc phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi có là “hy sinh trẻ dưới 4 tuổi” như dư luận có ý kiến gần đây hay không? Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NGND-TS Đặng Huỳnh Mai, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
PV: Với tư cách là Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bà suy nghĩ gì về Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015?
NGND-TS. Đặng Huỳnh Mai: Trước khi là Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em, tôi là thứ trưởng Bộ GD&ĐT, là một trong những người đã từng tham gia xúc tiến xây dựng và mong mỏi đề án này trở thành hiện thực. Việc đề án được phê duyệt, đối với chúng tôi, những ai đã và đang làm trong lĩnh vực giáo dục MN có thể xem đó là một niềm hạnh phúc lớn. Nếu được triển khai đề án này thì sẽ tạo tiền đề rất tốt cho trẻ vào lớp Một. Ngoài ra, nó còn đảm bảo quyền được học tập cho hầu hết trẻ 5 tuổi trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện công bằng về Giáo dục trong lĩnh vực này.
PV: Hiện dư luận đang có suy nghĩ rằng đầu tư cho giáo dục mầm non như một tấm chăn (hẹp). Kéo đắp ấm cho trẻ 5 tuổi thì sẽ làm hở lạnh cho bé dưới 4 tuổi. Bà có cho là như thế không?
NGND-TS. Đặng Huỳnh Mai: Nếu chúng ta hình dung GD MN hiện nay như một “tấm chăn” thì với đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi sẽ được hiểu là Chính phủ đang làm cho tấm chăn của lớp trẻ 5 tuổi to hơn trước đây, có thể đắp ấm cho gần hết trẻ 5 tuổi (thay vì trước chỉ có khoảng gần 80%, nhưng cũng chắp vá). Với trẻ trong độ tuổi 3,4 thì tôi cho rằng vẫn phải phát triển bình thường như chúng ta đã từng triển khai theo kế hoạch của mỗi năm trong từng nhiệm kỳ của các địa phương. Hoặc như Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã trả lời cho báo Thanh niên.
Không có đề án phổ cập thì các địa phương đầu tư theo khả năng mình có. Nhưng khi chủ trương của Nhà nước thì địa phương có trách nhiệm lớn hơn, tập trung đầu tư cao hơn. Thật ra, khi triển khai đầu tư cho phổ cập 5 tuổi thì xét về góc độ lý thuyết trẻ dưới 4 tuổi cũng được hưởng lợi theo.
PV: Vậy thì vì sao lại ưu tiên cho trẻ 5 tuổi trước, trong lúc trẻ nhỏ hơn, theo quan niệm cần ưu tiên hơn?
NGND-TS. Đặng Huỳnh Mai: Tôi vẫn nhớ khi chuẩn bị xây dựng đề án, chúng tôi đã đề xuất việc phổ cập mầm non cần theo lộ trình ba bước. Bước đầu tiên ưu tiên phổ cập MN 5 tuổi. Sau đó sẽ phổ cập 4 tuổi, rồi 3 tuổi. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn chúng ta phải lựa chọn phương án ưu tiên. Sự chọn lựa ưu tiên là do nhu cầu của xã hội và sự cần thiết trong nhiệm vụ Giáo dục. Bởi vì đây là cấp lớp cần có sự đầu tư, chuẩn bị cho trẻ bước sang tuổi học, tuổi vào lớp 1. Chính bản thân tôi trong những năm chưa có Đề án này cũng đã từng đề nghị ở vùng khó khăn, không thể mở được 5 tuổi thì cho các cháu người dân tộc được dự thính 1 năm dự bị ở lớp Một (năm sau sẽ đưa các cháu vào lớp Một chính thức). Bây giờ có đề án thì có lẽ không cần phải làm như thế nữa. Khi thực hiện chủ trương này cũng có nghĩa là quyền của trẻ về Giáo dục được tăng cường.
PV: Bà có cho rằng phổ cập mầm non 5 tuổi là hy sinh quyền lợi trẻ dưới 4 tuổi hay không?
NGND- TS. Đặng Huỳnh Mai: Tôi nghĩ rằng, cái gì ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, cũng có thể gặp những trở ngại nhất định khi chúng ta vận hành. Tuy nhiên trong quá trình triển khai nếu có gì phát sinh vấn đề thì vừa làm vừa điều chỉnh, đó cũng là một điều tất yếu. Vấn đề căn bản là chúng ta cần có tiếng nói và quyết tâm chung thì sẽ làm tốt thôi. Tuy nhiên, nếu nơi nào cho rằng vì Phổ cập MN 5 tuổi mà hy sinh quyền lợi trẻ dưới 4 tuổi thì không nên làm như thế. Tôi nghĩ đây là chủ trương của Chính phủ thì bao giờ chính quyền địa phương cũng có cách tháo gỡ cho Ngành.
Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi này!