Việt Nam chi cho y tế cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập. Tuy nhiên, chi quá cao gây nên hậu quả là nhiều hộ gia đình phải gánh chịu mức chi “thảm họa”.
TS. Dương Huy Liệu – Chủ tịch Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam cho biết, chi tiêu cho y tế từ tiền túi hộ gia đình ước tính chiếm 52,4% tổng chi toàn xã hội năm 2008. Chi từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ chiếm 17,6% dù năm 2008 đã có 44% dân số tham gia BHYT.
Ốm đau tiếp tục đẩy người dân vào cảnh đói nghèo, 33% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng bệnh tật là lý do khiến mức sống của hộ gia đình giảm đi hoặc không được cải thiện. Các bệnh không lây nhiễm, mạn tính, bệnh tâm thần ngày càng trở nên phổ biến khiến người dân phải sử dụng dịch vụ y tế trong thời gian kéo dài với chi phí điều trị “ngất ngưởng”.
Bệnh nhân phải gánh mức chi chênh lệch gấp hàng chục lần khi vào điều trị tại cơ sở y tế.
Tuy nhiên, một thực tế là chi phí cung ứng dịch vụ y tế cho cùng một bệnh lại khác biệt nhiều giữa các bệnh viện (BV), giữa các tuyến và thậm chí là giữa các cán bộ y tế trong cùng một bệnh viện do lựa chọn sử dụng các xét nghiệm, chẩn đoán… khác nhau, đặc biệt là các loại thuốc khác nhau rất nhiều.
Minh chứng cho điều này, TS. Dương Huy Liệu dẫn ví dụ về điều trị viêm phổi trẻ em, bệnh có phác đồ chẩn đoán và điều trị tương đối chuẩn và người bệnh ít có bệnh kèm theo. Trong một nghiên cứu ở 30 bệnh viện đa khoa tỉnh, chi phí điều trị bình quân một bệnh nhi là 834.500 VND. Tuy nhiên, trong 690 hồ sơ bệnh án được nghiên cứu, có trường hợp chi phí cao nhất gấp 79 lần trường hợp rẻ nhất (7.911.800 VND so với 99.000 VND).
Kể cả khi tính chi phí điều trị bình quân một bệnh nhân theo BV, chi phí trung bình ở BV có mức chi cao nhất đã cao gấp 5 lần so với chi phí điều trị ở BV rẻ nhất (1.935.600 VND so với 398.300 VND).
Vì vậy, TS. Liệu cho rằng dao động quá lớn trong chi phí điều trị giữa các BV chứng tỏ vẫn còn tiềm năng để giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Đồng thời, ông cũng gợi ý giảm chi phí điều trị bằng cách xác định BV và thầy thuốc nào hoạt động hiệu quả trong việc cung ứng dịch vụ y tế an toàn và có chất lượng, khiến các BV và thầy thuốc khác phải thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ để giảm chi phí giống như các BV hoạt động hiệu quả.
Cùng với đó, cần nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành chính sách để các BV chủ động giảm nhập viện khi không cần thiết và giảm số ngày điều trị trung bình. Có như thế mới tăng hiệu quả của hệ thống y tế.