Những trẻ em bị nhiễm giun móc hoặc các loại ký sinh trùng đường ruột khác ít có nguy cơ bị dị ứng so với những trẻ em không bị lây nhiễm, đây là kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Allergy.
Tiến sỹ Johanna Feary và các đồng nghiệp tại Đại học Nottingham ở Anh đã tiến hành phân tích 21 thí nghiệm nghiên cứu trước đó về mối liên hệ giữa lây nhiễm ký sinh trùng và nguy cơ bị dị ứng ở trẻ nhỏ.
Những nghiên cứu này được tiến hành đối với khoảng 29 nghìn, chủ yếu là trẻ nhỏ, ở các quốc gia Nam Mỹ, châu Phi, Cuba, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ – những khu vực và quốc gia mà hiện tượng lâu nhiễm ký sinh trùng đường ruột phổ biến.
Kết quả phân tích của Feary và các đồng nghiệp cho thấy những người bị lây nhiễm các loại ký sinh trùng đường ruột có nguy cơ ít hơn 31% bị phản ứng với các chất gây dị ứng thông thường so với những người khác.
Tuy nhiên, theo đội ngũ nghiên cứu, kết quả này không chứng minh được rằng bản thân các loại ký sinh trùng được ruột có tác dụng bảo vệ chống lại dị ứng. Càn phải tiến hành thêm các nghiên cứu khác về mối liên hệ này.
Dị ứng là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với những chất lạ. Gọi là quá mức vì các chất lạ này đều được cơ thể nhận biết và vô hại đối với những ai không bị dị ứng. Còn cơ thể của người bị dị ứng sẽ nhận ra các chất lạ và sẽ khởi động một phần hệ thống miễn dịch.
Các chất gây nên hiện tượng dị ứng được gọi là dị nguyên. Các dị nguyên bao gồm bụi, phấn hoa, mốc, thực phẩm… Có thể hiểu dị nguyên là những chất lạ đối với cơ thể và có thể gây nên phản ứng dị ứng ở một số người.