Thực tế, đứa trẻ nào cũng có lúc tỏ ra cố chấp. Đó là điều bình thường vì trẻ đang trong giai đoạn tìm hiểu, khám phá và khẳng định bản thân. Vai trò của cha mẹ là luôn sát cánh bên con và hướng dẫn, khuyên bảo con những điều đúng đắn nhất, ngay cả răn đe cũng là biện pháp nên làm nếu cần thiết.
Trẻ bướng bỉnh không có nghĩa là trẻ hư. Trẻ em càng thông minh và là con một hoặc con út trong gia đình thì càng bướng bỉnh. Cha mẹ cần làm sao để đối phó khi bé quá ương bướng?
Chọn thời điểm thích hợp để dạy con
Không phải lúc nào những yêu cầu của cha mẹ truyền đạt ra cũng được bé nghe theo tắp lự. Cha mẹ hãy lựa chọn lúc thích hợp để nói con nghe những yêu cầu và mong muốn của mình. Nếu bé đang làm việc mình yêu thích thì cha mẹ đừng nên buộc bé ngưng lại ngay mà hãy đợi đến khi bé kết thúc việc làm đó.
Nếu khăng khăng bắt bé dừng việc đang làm lại để làm theo ý cha mẹ thì sẽ khiến bé khó chịu, làm việc miễn cưỡng, không tập trung và có vẻ khó chịu với cha mẹ. Khi đã kết thúc việc mình thích, tâm lý bé sẽ thoải mái hơn, dễ nghe lời cha mẹ và ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của cha mẹ hơn.
Nắm được nhu cầu của bé
Bé còn nhỏ tuổi nhưng không phải là không có tâm tư và nhu cầu riêng. Cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của bé trong một vài trường hợp sẽ thấy ngay là bé không thích bị ép buộc nhiều, không thích làm những điều mà mình không muốn.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên lắng nghe và hiểu rõ tâm tư của bé, mạnh dạn cho bé làm theo ý muốn của mình dưới sự kiểm soát của người lớn. Sau đó phân tích cho bé thấy nếu biết vâng lời cha mẹ, kết quả sẽ tốt hơn. Khi muốn bé làm gì, cha mẹ cũng cần giải thích tại sao muốn bé làm điều đó để bé tự giác hơn.
Kiên quyết nói “không” khi cần thiết
Cha mẹ chiều chuộng con cái quá mức, bé sẽ coi đó là điều đương nhiên và coi như mình muốn gì là được cái đó, khi đòi hỏi không được đáp ứng bé sẽ sinh ra mè nheo, khóc lóc, hờn dỗi, nổi xung, phá phách…
Do vậy, nói “không” với con cái là điều hết sức cần thiết. Cha mẹ không nhất thiết phải từ chối tất cả yêu cầu của con, nhưng với những yêu cầu “không hợp lý” thì nên nói “không” một cách dứt khoát và cương quyết. Điều này sẽ giúp bé hiểu rằng không phải bất cứ đòi hỏi nào của bé cũng được chấp nhận, từ đó bé sẽ học được cách thích nghi và bớt vòi vĩnh.
Nếu cha mẹ nói “không” mà bé vẫn không nghe, lăn ra “ăn vạ” thì lúc này cha mẹ nên tảng lờ những đòi hỏi của bé, đồng thời điềm tĩnh giải thích ngắn gọn cho bé biết tại sao yêu cầu của bé không được đáp ứng. Sau đó bỏ đi chỗ khác, bé có thể khóc to hơn nhưng rồi sẽ tự nín. Nếu trong lúc này mà cha mẹ cáu gắt quát mắng bé thì sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn mà thôi.
Có thưởng có phạt hợp lý
Trẻ con vốn nhõng nhẽo và mau quên những buồn bực nếu được cha mẹ “ngọt ngào” dỗ dành. Vì vậy, bên cạnh việc phạt con khi không nghe lời, cha mẹ cũng nên có những hình thức động viên con cái, khen con khi con ngoan. Khi bé bướng bỉnh, bạn cần áp dụng hình phạt, có thể là không cho đi chơi, không chia quà, đứng vào tường để suy nghĩ việc đã làm…
Khi bị phạt bé cũng cần được biết lý do bị phạt là gì. Ngay lúc này cha mẹ không nên quát mắng hay đánh bé, đặc biệt trước mặt người lạ, vì bé sẽ cảm thấy xấu hổ và tự ti rất nhiều.
Còn khi bé ngoan, đừng tiếc lời khen con, ngay cả trước mặt người ngoài, vì bé sẽ cảm thấy mình giỏi, mình được quan tâm, tôn trọng và luôn muốn làm tốt hơn nữa để được khen.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần cân nhắc khen chê vừa phải và hợp lý, tránh để bé trở nên mặc cảm tự ti vì bị phạt quá nhiều hoặc trở nên tự cao tự đại, coi mình là nhất vì thường xuyên được khen.