Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, thu nhập cá nhân được cải thiện cũng như những thay đổi về lối sống và hành vi ăn uống khiến ngày càng nhiều người trẻ thừa cân và béo phì. Đáng lo là trong đó có những người phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.
Thừa cân và béo phì có thể gây nên những hậu quả xấu về sức khỏe lâu dài như gia tăng nguy cơ đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư. Béo phì còn nguy hiểm ở chỗ nó có thể gây nên những bất lợi tức thời cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì làm tăng nguy cơ vô sinh.
Với những phụ nữ đang mang thai, béo phì làm tăng khả năng sẩy thai, tiền sản giật và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Một điều đáng quan ngại nữa là, những bằng chứng khoa học gần đây đã cho thấy trẻ sinh ra từ các bà mẹ béo phì sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch về sau.
Điều này có thể là do những biến đổi bên ngoài bộ gen của phôi thai vì những thay đổi của môi trường tử cung ở những bà mẹ béo phì.
Béo phì- khó thụ thai
Béo phì thường liên quan với hội chứng buồng trứng đa nang, tăng đề kháng insuline cùng những rối loạn nội tiết khác ảnh hưởng không thuận lợi đến quá trình phát triển trứng và rụng trứng bình thường.
Ngay trong trường hợp trứng đã rụng thì tình trạng thừa cân cũng làm cho trứng này khó có thể thụ tinh và làm tổ bình thường được.
Giảm khả năng sống của phôi thai
Chất lượng của phôi từ những phụ nữ béo phì cũng kém hơn bình thường. Quá trình thụ tinh và làm tổ trong tử cung cũng rất mong manh và dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chuyển hóa.
Các nghiên cứu cũng cho thấy béo phì sẽ gây nên những xáo trộn bất lợi này, do đó có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh. Ngay cả ở những thai nhi sống sót thì những biến đổi trong môi trường tử cung của người mẹ béo phì cũng được lưu lại một cách bền vững ở thai nhi thông qua những quá trình tương tác phức tạp để rồi sau đó gây hậu quả bất lợi khi trẻ lớn lên.
Tăng các biến cố sản khoa
Bên cạnh tăng cao nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh, tiền sản giật và thai chết lưu ở phụ nữ mang thai mắc chứng béo phì, thì tỉ lệ sẩy thai cũng cao hơn ở những đối tượng này.
Các nhà khoa học giải thích rằng tỉ lệ sẩy cao có thể là do bản thân chất lượng phôi kém như đã nói ở trên cộng với những thay đổi bất lợi của lớp nội mạc tử cung do béo phì.
Khó khăn trong giai đoạn nuôi con
Tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở các bà mẹ thừa cân và béo phì thấp hơn rõ rệt so với những bà mẹ có cân nặng trong giới hạn bình thường. Ngoài những khó khăn trong việc ngậm bắt vú và nút sữa hiệu quả của trẻ thì còn có lý do: động tác mút của trẻ sẽ kích thích não người mẹ tiết ra một loại hormone có tên là prolactin, một loại hormone gây tiết sữa.
Ở phụ nữ béo phì, động tác mút của con không thể gây tiết prolactin như bình thường. Chính vì vậy các bà mẹ béo phì thường hay cho con ngưng bú sớm.
Trong khi đó, việc bú mẹ có ý nghĩa rất quan trọng vì có thể tăng cường miễn dịch cho trẻ sơ sinh và giảm nguy cơ mắc bệnh khác như bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp thiếu niên, dị ứng, hen phế quản và chàm. Trẻ được bú mẹ cũng giảm nguy cơ béo phì về sau. Một số nghiên cứu còn cho rằng bú mẹ có thể giúp não bộ phát triển một cách tối ưu.
Can thiệp trước khi muộn
Những can thiệp nhằm cải thiện dự hậu của những bà mẹ thừa cân và béo phì thường chỉ tập trung vào hạn chế tăng cân trong thai kỳ. Tuy nhiên những nguy cơ cho thai có thể đã xuất hiện ngay cả trước khi thụ thai và ngay trong thời kỳ sớm của quá trình mang thai, ví dụ quá trình phát triển trứng, phóng noãn, thụ thai, thời kỳ di chuyển trong vòi trứng và làm tổ ở tử cung.
Việc hạn chế tăng cân trong thai kỳ có thể có ích trong phòng ngừa những biến cố sản khoa bất lợi nhưng nó không làm thay đổi những bất thường đã xuất hiện trước đó. Chính vì vậy việc chú ý kiểm soát cân nặng ở những phụ nữ đang ở độ tuổi sinh nở là biện pháp phòng ngừa cần thiết.