“Một phụ nữ Thụy Sĩ 64 tuổi đã sinh một bé gái khỏe mạnh tại Moscow”- Tin tức gây sốc này mới đây đã được lan truyền rộng rãi trên thế giới. Cặp bố mẹ đã về hưu cười rạng rỡ trước ống kính máy ảnh của nhà báo và nói về hạnh phúc họ đang có kể từ khi có được báu vật là con gái bé bỏng. Nhưng các bác sĩ nhìn thấy ở đây mặt trái của vấn đề.
Người đứng đầu khoa phụ sản của Bệnh viện Đại học Trung tâm Canton cho rằng, sinh một đứa con ở tuổi 64, đó chính là sự ích kỷ. “Tôi cho rằng họ chỉ nghĩ đến mong muốn cho riêng mình, mà không nghĩ chút nào đến lợi ích của đứa trẻ. Ngay cả nếu việc thụ tinh bằng cách sử dụng trứng xin có được phép ở Thụy Sĩ, tôi cũng vẫn từ chối thực hiện!”
Theo quan điểm y học, nguy cơ của thai kỳ khi sản phụ quá lớn tuổi là rất cao: huyết áp cao có thể gây ra chứng tiền sản giật nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, mối đe dọa của bệnh tiểu đường rất cao, và cả thực tế là cơ thể các bà mẹ cao tuổi không thể cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho em bé, vì thế sự phát triển của trẻ sẽ rất chậm. Tất cả các em bé sinh “muộn” đều phải ra đời bằng phương pháp mổ lấy thai. Không ai đếm được số ca sinh non và điều đáng chú ý là phần lớn các trẻ em sinh ra bởi các sản phụ lớn tuổi đều rất yếu. Ngay cả khi quá trình mang thai và sinh con thuận lợi, thì ở tuổi 64 tình trạng sức khỏe của người mẹ không thuận lợi cho việc chăm sóc một trẻ sơ sinh. Đó là những lý do khiến các bác sĩ Thụy Sĩ đề ra những giới hạn rõ ràng về độ tuổi mà một người phụ nữ có thể làm mẹ.
Các bác sĩ Thụy Sĩ biết rất rõ những gì họ nói. Ngay tại đất nước Thụy Sĩ giàu có và phồn thịnh, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ đã tổ chức một hoạt động mang tên “Một ngụm không khí trong lành” hướng tới việc giải quyết một trong những hiện tượng mới của xã hội hiện đại – sự kiệt sức của cha mẹ. Tại Bern đã từng diễn ra một hội nghị chuyên đề mang tên “Cha mẹ trên ranh giới của sự suy nhược thần kinh”. Những người tham gia hội nghị đã kết luận rằng : làm cha mẹ là một “nghề” rủi ro, luôn gắn liền với sự căng thẳng liên tục.
Hiệp hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ đã sáng lập một dịch vụ đặc biệt cho việc chăm sóc trẻ em tại nhà. Trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như khi một đứa trẻ bỗng nhiên bị bệnh và không có ai chăm sóc, các bậc cha mẹ có thể yêu cầu dịch vụ này, để các nhân viên của họ đến nhà và giúp trông nom em bé.
Nhưng nếu trước kia, dịch vụ này nhận được yêu cầu chăm sóc trẻ em bị bệnh là chủ yếu, thì hiện nay nhu cầu cần dịch vụ này hầu hết là các bậc cha mẹ quá mệt mỏi. Năm ngoái, 62% của 70.000 giờ dịch vụ được nhân viên của Hội Chữ thập đỏ thực hiện chăm sóc trẻ em tại nhà đã được đưa ra bởi các gia đình mà cha mẹ bị trầm cảm và căng thẳng.
Dịch vụ này của Hội Chữ thập đỏ giúp cha mẹ có thể tự do và ra khỏi nhà 3-4 giờ để nghỉ ngơi, thư giãn trong khi các nhân viên của Hội Chữ thập đỏ sẽ chăm sóc con cái của họ với một mức giá tượng trưng. Những người tham gia dịch vụ này là các bác sĩ nhi khoa hoặc các nhân viên dịch vụ xã hội. Những hoạt động này dành cho các trường hợp xung đột gia đình, khó khăn trong việc giáo dục trẻ em, bệnh tật của một trong các thành viên gia đình, tình hình kinh tế khó khăn, sự thừa nhận từ các thành viên khác trong gia đình về việc cha mẹ trẻ thiếu tình cảm với con và không hiểu rõ tầm quan trọng của vai trò làm cha mẹ…
Một trong những nguồn gốc của xung đột gia đình là sự cần thiết phải cân bằng công việc và trách nhiệm gia đình. Hơn một phần ba những người đang làm việc tại Thụy Sĩ cho rằng đó là điều “rất khó”. Số lượng trẻ em, cũng như mức độ trách nhiệm trong công việc, làm gia tăng mức độ căng thẳng và thiếu điều hòa trong cuộc sống gia đình và nghề nghiệp của họ. Theo thời gian, sự cần thiết phải kết hợp cả hai vai trò trong cuộc sống ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe và tâm lý của con người.
Sự căng thẳng của cha mẹ sẽ phản ánh ở trẻ em. Phụ huynh gây áp lực đối với trẻ, la hét, xúc phạm và trừng phạt con cái. Theo thống kê, hàng năm ở Thụy Sĩ có 1.700 trẻ em dưới 2 tuổi rưỡi bị trừng phạt về thể chất, bị đánh bằng các dụng cụ khác nhau – một nhà tâm lý học tại Viện Nghiên cứu Gia Đình, Trường Đại học Fribourg xác nhận. Phụ huynh cũng giải thích rằng trẻ em bị trừng phạt không đơn giản chỉ vì chúng không vâng lời, mà còn vì mẹ hoặc cha mệt mỏi. Theo ý kiến của các nhà tâm lý học và xã hội học, ngày nay, xã hội, trường học, phương tiện truyền thông, hàng xóm và người thân đều gây áp lực với cha mẹ, đặt câu hỏi về khả năng thực hiện vai trò làm cha mẹ của họ.
Đặc biệt dễ bị căng thẳng là những bà mẹ trẻ, những người đang nuôi đứa con đầu. Trầm cảm sau sinh, được biết đến ở châu Âu dưới cái tên lãng mạn “baby blues”, hành hạ 60-80% các bà mẹ trẻ, và thường cũng ảnh hưởng đến người cha. Trong số đó có 10-15% các bà mẹ bị trầm cảm nặng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Một nghiên cứu được tiến hành ở nhiều nước đã cho thấy, sự thăm hỏi thường xuyên của các chuyên viên với các gia đình có trẻ sơ sinh giúp giảm đáng kể sự xuất hiện các triệu chứng trầm cảm ở phụ huynh. Hiện tượng cha mẹ kiệt sức trở nên phức tạp bởi thực tế không thể nhìn thấy trước điều đó. Các bậc cha mẹ thường bất ngờ, vào một ngày đẹp trời, cảm thấy mình bất lực.
” Một ngụm không khí trong lành” được thực hiện tại 16 bang của Thụy Sĩ. Những bậc cha, mẹ làm gì khi có khoảng thời gian ấy – một món quà của Hội Chữ thập đỏ? Họ chơi thể thao, đi mua sắm, đi dạo. Nhiều phụ nữ đã thú nhận rằng họ chỉ ngủ …