7 năm qua (2004 – 2010), nhờ việc triển khai Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã có biết bao học sinh tiểu học được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần để đến trường
Chắp cánh ước mơ
Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – tỉnh được thụ hưởng dự án – nhận xét: “Dự án được thực hiện tại tỉnh Khánh Hòa đã giúp chất lượng giáo dục của tỉnh được cải thiện và nâng cao một bước. Với kinh phí hỗ trợ trên 7 tỉ đồng, toàn tỉnh đã xây dựng được 48 phòng học, 20 phòng giáo viên và 19 nhà vệ sinh, điểm trường được xây mới khang trang. Đặc biệt, huyện Khánh Vĩnh được chọn là một trong 3 địa phương thí điểm Dịch vụ Giáo dục hòa nhập mẫu, là mô hình giúp trẻ thiệt thòi có cơ hội được học tập và học tập có chất lượng”.
Rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đã được đến trường nhờ dự án. Trường hợp của ba chị em Trần Thị Canh, dân tộc Nùng ở thôn 9, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông là một điển hình. Canh bị bệnh máu trắng. Nhà Canh nghèo, thứ đồ có giá trị nhất trong nhà là chiếc nồi gang đã cũ. Mấy chị em đều phải nghỉ học vì gia đình luôn trong tình cảnh chạy ăn từng bữa. Nhờ có Quỹ hỗ trợ điểm trường, chị em Canh đã được đến trường.
Còn bà Ngô Thị Điệp, trường Tiểu học Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu nêu rõ: “Khi dự án PEDC kết thúc, nếu tất cả chúng ta tiếp tục phát huy cách làm này thì những nơi xa xôi, khó khăn sẽ không còn tình trạng học sinh phải bỏ học, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ kịp thời để việc học không bị đứt đoạn”.
Hằng năm, có khoảng 300.000 trẻ được hỗ trợ trực tiếp. PEDC là dự án đầu tiên triển khai sáng kiến thực hiện quỹ hỗ trợ trường, điểm trường cho học sinh tiểu học khó khăn ở 227 huyện thuộc 40 tỉnh khó khăn nhất về giáo dục. Đến nay, Quỹ đã có tác động tích cực trong nhiều lĩnh vực: Hỗ trợ học sinh đi học, góp phần làm giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học; Hỗ trợ các trường, điểm trường đạt mức chất lượng tối thiểu; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng qua hoạt động lập đề xuất và sử dụng quỹ.
Ngoài ra, thông qua các sáng kiến giáo dục, dự án PEDC đã hỗ trợ những nhóm trẻ có nguy cơ bị thiệt thòi cao như trẻ em đường phố, trẻ em phải lao động sớm, trẻ em vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật, trẻ bị định kiến – xa lánh trong xã hội…
Rút ngắn chênh lệch về chất lượng giáo dục
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng hiệu quả mà dự án mang lại là rất lớn. Dự án đã góp phần giảm dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục tiểu học giữa các vùng miền. Đối với Bình Định, với quy mô đầu tư hơn 16 tỷ đồng, dự án này đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện môi trường học tập tại hai huyện thụ hưởng dự án. Qua kiểm kê mức chất lượng tối thiểu (MCLTT) năm 2010, huyện Vĩnh Thạnh có 10/10 trường tiểu học đạt MCLTT; huyện Vân Canh có 9/9 trường đạt MCLTT – đây là cơ sở quan trọng để các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc điều hành Dự án cho biết: Những ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp với đầy đủ trang thiết bị đã thực sự thu hút được học sinh đến lớp. Điều đáng nói là những ngôi trường mới đều chú trọng việc học và đi lại cho trẻ khuyết tật, tạo sự động viên, khuyến khích rất lớn với đối tượng trẻ em này.
Đặc biệt, với hiệu quả của Quỹ hỗ trợ trường, điểm trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh đến vấn đề duy trì tính bền vững, sức sống lâu bền của dự án sau khi kết thúc. Bộ GD-ĐT đã triển khai đại trà từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 với việc hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ mẫu giáo và HS phổ thông có hoàn cảnh khó khăn là 70.000đồng/ học sinh/tháng để mua sách vở và đồ dùng khác. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc ban hành Sổ tay bảo trì trường tiểu học và triển khai thực hiện công tác bảo trì – đây cũng là tài liệu được dự án PEDC soạn thảo.