Nhiều vụ tự tử đau lòng của con trẻ mà nguyên nhân chính lại xuất phát từ mâu thuẫn, cãi vã của bố mẹ. Những cái chết thương tâm này gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ mẹ nên có cách ứng xử phù hợp hơn với nhau, đặc biệt là trước mặt con cái.
I. Gia đình anh Hoàng Văn Minh và chị Hồ Thị Nguyệt ở Thanh Xuân, Hà Nội là một gia đình kiểu mẫu mà nhiều người mơ ước. Anh chị là hai người thành đạt trong xã hội, cả hai đều có địa vị xã hội nhất định và là sự ngưỡng mộ của nhiều người. Nhưng, ngược lại với con người của xã hội, trong cuộc sống gia đình, anh chị lại không hề hoà thuận với nhau. Cuộc chiến của những người trí thức ban đầu còn kín đáo, âm ỉ, chỉ có hai người biết. Nhưng lâu dần, cuộc cãi vã giữa họ xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Đến mức, hai đứa con của anh chị thường tìm cách “trốn” ở lại nhà ông bà để không phải về nhà.
Với gia đình nội ngoại hai bên, xung đột của anh chị được giải thích là người vợ quá đảm đang, tháo vát, nên đòi hỏi sự tuyệt đối trong mọi hành động của cuộc sống. Với hai đứa con anh chị thì khác hẳn. Chúng nhìn nhận mâu thuẫn của bố mẹ ở góc độ, bố quá nhu nhược, mẹ quá ghê gớm. Quan trọng là giữa bố và mẹ dường như không có mối rằng buộc nào với nhau, kể cả các con. Và, để giải thoát cuộc sống, đứa con thứ hai của anh chị đã uống thuốc độc tự tử ngay trước đợt thi tốt nghiệp lớp 12.
Cái chết của đứa con út không làm bừng tỉnh mối quan hệ của hai vợ chồng. Hiện nay, đứa con đầu của anh chị cũng đã xin ra ở riêng. Và cuộc sống của anh chị cứ ngập tràn trong mâu thuẫn không có hồi kết như thế. Đến thời điểm này, do không chịu nổi áp lực của vợ, anh Minh đã tìm đến chuyên gia tâm lý nhờ tìm hướng giải quyết.
Câu chuyện đau lòng của chị Phạm Thị Hương (40 tuổi) trú tại Quảng Phong, Quảng Trạch, Quảng Bình cũng khiến nhiều người giật mình nghĩ lại. Ngày 5/12, em Phạm Xuân Quyền (13 tuổi) khi đi học về thấy bố mẹ đang cãi nhau đã lẳng lặng vào phòng riêng rồi dùng khăn quàng đỏ làm dây treo cổ tự tử. Chính chị Hương lại là người phát hiện ra cái chết thương tâm của con mình….
II. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ em tự tử vì mâu thuẫn của bố mẹ. Mặc dù con số thống kê về việc con cái tự tử vì mâu thuẫn của bố mẹ chưa có ai công bố hoặc nghiên cứu. Nhưng, nhà tâm lý hòa Trịnh Trung Hoà cho biết, ở góc độc của nhà tâm lý, việc cha mẹ cãi nhau ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn của trẻ em. Nên khi cha mẹ cãi nhau, tốt nhất không nên có mặt con trẻ. Bởi cãi nhau là phải bới móc thói xấu của đối phương, tung hê thói xấu của nhau làm cho chính con mình có những ý nghĩa tiêu cực vì thấy bố mẹ là những người không ra gì cả.
Trong mắt con trẻ, bố mẹ là thần tượng. Khi cãi nhau thì trẻ em phát hiện ra hoá ra người đó không hoàn hảo như nó nghĩ. Mẹ bảo bố đi ngoại tình, bố đi buôn lậu… Trẻ con bị sụp đổ thần tượng. Có thể làm sụp đổ cả lý tưởng của trẻ em. Ví dụ, đứa trẻ đang định học hành để thành tài và làm bố mẹ vui lòng, nhưng lại phát hiện ra mâu thuẫn của bố mẹ. Điều này rất có thể làm khủng hoảng tâm hồn của trẻ.
Ông Hòa cho biết: “Theo nghiên cứu, 4/5 gia đình sẽ có xung đột, cãi nhau, có thể cấp độ nặng nhẹ khác nhau nhưng việc va chạm là không hề tránh được. Có gia đình cãi nhau vì chuyện lớn, có gia đình cãi nhau vì chuyện nhỏ, có cách cãi nhau có văn hoá và có cách cãi nhau vô văn hoá. Nhưng nói chung, lúc đó không nên có con cái mà nên đợi lúc các con về phòng riêng, đợi các con đi ngủ… hãy nên cãi nhau, tranh luận”.
“Mặc dù tôi chưa chứng kiến cảnh trẻ con tự tử nhưng nghe giọng kể của trẻ con chán đời thì có: có đứa chán nản vì chuyện xung đột của bố mẹ, không biết phải tin vào ai nữa; có đứa thì tỏ ra thương bố mẹ; có đứa thì hoang mang chán đời vì chuyện bố mẹ; thậm chí có đứa muốn bỏ học, và cũng không thiết sống nữa”.
Chuyên gia tâm lý tổng đài 1080 Hà Nội cho biết, thỉnh thoảng tổng đài cũng nhận được những cuộc gọi của các cháu để hỏi, nhờ tư vấn 1 số vấn đề cũng liên quan đến mâu thuẫn giữa bố và mẹ. Trong các trường hợp như thế, chúng tôi thường cố gắng lắng nghe mọi tâm sự của các cháu để có thể phân tích cụ thể tình huống cho các cháu hiểu, các cháu không phải là nguyên nhân của những xung đột giữa bố mẹ.
Ông Trịnh Trung Hoà cũng cho rằng, chuyện cãi nhau của người lớn, dưới con mắt của trẻ con là rất tai hại. Bởi trong độ tuổi thanh, thiếu niên, chúng chưa đủ nhận thức như người lớn, rằng chuyện cãi cọ xung đột giữa hai vợ chồng là bình thường, không tránh khỏi. Khi bố mẹ cãi nhau, trẻ em sẽ nghĩ bố mẹ của các bạn khác thì tốt đẹp mà bố mẹ mình thì xấu xa quá.
Việc kìm nén cơn giận trước mặt các con là việc các bậc phụ huynh phải nghĩ đến đầu tiên. Việc này tưởng nhỏ nhưng lại không hề đơn giản. Có nhiều người mặc dù có con cái đề huề rồi, nhưng không biết nghĩ đến con cái, chỉ nghĩ đến bản thân nên xảy ra chuyện xung đột ngay trước mặt các con. Cố ý bôi xấu đối phương để thoả mãn tự ái của bản thân.
Có người còn chọn hướng giải quyết xung đột trong cuộc sống gia đình một cách đầy sai lầm là kể cho con nghe về mọi thói xấu của cha/mẹ, với mong muốn lấy đồng minh và phe của mình đông hơn để chiến thắng người kia.
Việc “giận quá mất khôn” này sẽ có tác dụng ngược lại ngay với chính con cái. Chính vì vậy, trước khi làm việc gì cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến con cái.
Có nhiều người rất tức giận, nhưng khả năng kiềm chế, nhịn rất tốt. Ví dụ, có người bắt được chồng ngoại tình nhưng đợi đến khi con ngủ mới nói, đấy là người phụ nữ đã biết nghĩ đến con cái chứ không phải vì bản thân mình.
Ông Trịnh Trung Hoà đưa ra lời khuyên: Khi quá nóng giận đang cãi nhau thì con cái đi học/chơi về hoặc cha mẹ tưởng con cái đang ngủ nhưng vẫn thức và nghe được toàn bộ cuộc “khẩu chiến” của cha mẹ thì cần phải có cuộc gặp gỡ lại với con để giải thích cụ thể cho con vì sao lại xảy ra chuyện đó. Và phải làm cho con cái hiểu rằng, việc bố/mẹ cãi nhau như thế nhưng vẫn yêu con, thương con, việc mâu thuẫn của bố mẹ chỉ là một khía cạnh không liên quan đến con cái. Cha mẹ có nghĩa vụ phải trấn áp con cái để nó không cảm thấy cô đơn, mất chỗ dựa, mất cả tương lai vì chuyện xung đột của bố mẹ.