Trả lời phỏng vấn Báo GĐ&XH, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, một trong những lí do khiến nạn bạo hành trẻ em gia tăng là pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa đầy đủ. Ngoài ra, có một phần từ sự thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở và sự thờ ơ của những người dân xung quanh.
Không chấp nhận cái ác hoành hành
Thưa Bộ trưởng, sau khi đọc loạt bài phóng sự điều tra đăng trên Báo GĐ&XH về trường hợp bé Hồng Anh, 4 tuổi, bị bố “hờ” bạo hành trong một thời gian dài và bé chỉ được giải cứu khi phóng viên phát hiện ra vụ việc, bà có những suy nghĩ gì?
– Thật đau xót cho một đứa bé chỉ mới 4 tuổi, đang cần sự ôm ấp, chở che, thì phải gồng mình chịu biết bao nỗi đau đớn. Cá nhân tôi rất cảm phục trước việc một nhà báo nữ bất chấp nguy hiểm để bảo vệ và cứu thoát cháu bé khỏi hoàn cảnh tồi tệ, ác độc nhất. Trong xã hội còn biết bao nhiêu tấm gương tốt, bao nhiêu người không chấp nhận để cho cái ác hoành hành và chúng ta rất cần có những tấm lòng như thế.
Thưa Bộ trưởng, vụ cháu bé Hồng Anh chỉ là một trong số nhiều vụ nổi cộm thời gian gần đây. Liệu có sự liên quan gì giữa trách nhiệm của đội ngũ cán bộ địa phương và thái độ của những người xung quanh khiến vấn nạn ngược đãi trẻ em đang có chiều hướng gia tăng?
– Tội phạm xâm hại và bạo hành trẻ em trên phạm vi toàn quốc có sự gia tăng nhanh chóng cả về mức độ phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân các vụ xâm hại, ngược đãi trẻ em có một phần từ sự thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở và sự thờ ơ, vô cảm của những người dân sống trong cộng đồng. Nhưng theo tôi, họ chỉ là số ít. Vấn đề chính ở đây là do sự thiếu hụt của khung luật pháp, chính sách.
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc giám sát xã hội với các hành vi xâm hại trẻ em, chưa có quy định về tố giác bắt buộc với người là nhân chứng của tội phạm bạo hành với trẻ em, không quy định quy trình, thủ tục riêng về phát hiện các trường hợp xâm hại trẻ em. Đặc biệt, pháp luật và những người thi hành pháp luật chưa tạo mọi điều kiện an toàn, thuận lợi để nhân dân cung cấp thông tin về tội phạm xâm hại trẻ em. Chưa có quy định cho việc bảo vệ nhân chứng, bảo vệ những người tố giác tội phạm. Từ đó, người dân không dám khai báo hay can thiệp vì không có các chế tài bảo vệ an toàn cho cuộc sống của bản thân họ.
Mặt khác, tôi muốn nói về vấn đề đạo đức con người. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đòi hỏi tình thương yêu, tận tụy và đầy trách nhiệm. Nếu chúng ta từng bước đẩy lùi tính “vô cảm” đang nảy sinh trong xã hội, trước hết là vô cảm trước trẻ thơ, tạo nên một phong trào sâu rộng “Toàn dân phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm bạo hành, ngược đãi trẻ em”, thì lúc đó, quyết tâm nói “không” với bạo hành trẻ em mới có cơ hội thành hiện thực.
Thưa Bộ trưởng, đã đến lúc chúng ta quy định trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền cơ sở, hội, đoàn thể địa phương nếu để xảy ra vụ việc tương tự?
– Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt trong Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1408 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quy định trách nhiệm cụ thể cho “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em, vi phạm quyền trẻ em tại địa phương”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, xẩy ra sai sót. Những sai sót này có thể là do năng lực còn yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát, cũng có thể do thái độ, tinh thần trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho trẻ em Hà Giang. |
Nhu cầu phát triển nghề công tác xã hội
Luật pháp của chúng ta quy định rất chi tiết, thậm chí ép trẻ em học thái quá, doạ nạt trẻ em bằng những con vật mà trẻ sợ cũng bị phạt tiền. Vậy sao những vụ bạo hành trẻ em một cách nghiêm trọng vẫn diễn ra. Phải chăng chúng ta còn đang thiếu cả những người thừa hành luật?
– Pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Việt Nam đang còn là luật khung, chưa cụ thể, để đi vào cuộc sống cần có nhiều thời gian và nhiều văn bản hướng dẫn. Một số cán bộ bảo vệ trẻ em (trong đó có cán bộ ngành tòa án, công an) còn thiếu những kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em, đặc biệt là các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Hiện tại, Bộ LĐ,TB&XH đang xây dựng và trình Chính phủ một số văn bản pháp lý liên quan nhằm khắc phục những kẽ hở của luật pháp, biên soạn tài liệu hướng dẫn cán bộ cơ sở trong việc xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Việc xử lý những đối tượng ngược đãi, hành hạ trẻ em qua một số vụ vừa qua, cá nhân Bộ trưởng có nhận xét gì? Theo Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ LĐ,TB&XH ở đâu trong những vụ việc này?
– Hiện nay, việc xử lý các đối tượng ngược đãi, hành hạ trẻ em là điều quan tâm của Bộ. Xã hội cũng rất quan tâm, theo dõi và có ý kiến phản hồi trước kết quả xét xử các đối tượng.
Về phần trách nhiệm của mình, trước thực trạng các vụ xâm hại trẻ em diễn ra liên tục trong thời gian gần đây, Bộ đã theo dõi, cập nhật đầy đủ, kịp thời; có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng liên quan làm tốt công tác quản lý đối tượng trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em. Trong chỉ đạo, hướng dẫn, chúng tôi luôn nhấn mạnh việc đảm bảo cho trẻ là nạn nhân được chăm sóc, trợ giúp để phục hồi và ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, công tác quản lý, phát hiện và giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã chủ động trong việc nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời. Trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực được trợ giúp cả về vật chất và tinh thần.
Hiện nay, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi… quyền nuôi dưỡng chủ yếu phụ thuộc vào sự thoả thuận của những người thân trong gia đình. Trong khi đó, vai trò của cán bộ công tác xã hội trong việc định đoạt quyền nuôi dưỡng và giám sát quá trình nuôi dưỡng đối với đứa trẻ gần như chưa được thể hiện. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
– Hiện nay, vai trò của cán bộ công tác xã hội trong việc định đoạt quyền nuôi dưỡng và giám sát quá trình nuôi dưỡng đối với đứa trẻ ở Việt Nam chưa được thể hiện nhiều. Điều đó do nguyên nhân khách quan là nghề công tác xã hội của Việt Nam còn non trẻ. Trước nhu cầu thực tế của xã hội đặt ra, Bộ LĐ,TB&XH đã thấy được tính cấp thiết của việc xây dựng, đào tạo để hình thành nghề công tác xã hội tại Việt Nam.
Ngày 25/3/2010 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó, ngành LĐ,TB&XH được phép xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch viên chức công tác xã hội bảo vệ trẻ em. Lúc đó, nhân viên công tác xã hội sẽ đóng góp vai trò chính trong việc định đoạt quyền nuôi dưỡng và giám sát quá trình nuôi dưỡng đối với đứa trẻ.
– Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!