1. “Cây thước của cô anh năm nay to hơn, dày gấp mấy lần cây thước của cô năm ngoái luôn. Mỗi lần cô đập thước xuống bàn là cả lớp im ru liền”. “Còn chưa bằng cây thước của cô em, mỏng thôi mà mỗi lần cô gõ xuống bàn nghe chát, chát muốn điếc tai!”. Tình cờ nghe câu chuyện của hai học sinh đang học lớp 2 và lớp 3, tôi hỏi: “Vậy tụi con có sợ cây thước đó không?”. Một em trả lời: “Cả lớp con ai cũng sợ”. Em kia im lặng một lúc rồi nói: “Cô chưa đánh ai bằng cây thước đó nhưng con ghét vì nghe điếc tai!”.
2. Chị tôi đã có một phen giật mình, ngao ngán khi bé Vy, con chị, học lớp 1, về nhà yêu cầu ba mẹ phải tìm một cây thước để mang lên trường “xử tội” các bạn siêu quậy. Chị hỏi đầu đuôi, Vy tự hào giải thích rằng: ở lớp, cô giao Vy nhiệm vụ ghi tên các bạn nói chuyện, Vy được dùng cây thước của cô để “dọa” và “xử” bạn nào quậy quá, không lo làm bài… Nhưng cây thước của cô nặng quá. Vy cần một cây thước nhỏ thôi nhưng có thể làm các bạn sợ… Chị tôi giải thích: không được đánh bạn bằng cây, bằng thước, nguy hiểm. Vy tỉnh bơ: “Không phải mình con đâu, mấy bạn tổ trưởng, lớp trưởng đều có thước. Cô con không la đâu, miễn giữ lớp trật tự là được!”.
3. Tay cầm thước kẻ, tay cô cầm phấn vẽ những đường nét, hình khối trong từng giờ học – đó là hình ảnh thân quen về một giáo viên tiểu học ở lớp học truyền thống. Cô cũng dùng cây thước ấy mỗi lần chỉ bài trên bảng cho cả lớp đọc theo… Nhưng thay cho những lời dịu dàng, tiếng thước chan chát đầy uy quyền vang lên mỗi khi cô giận. Cũng không ít lần cây thước thân quen bực tức ra đòn, gây thương tích thân thể và tâm hồn trẻ thơ. Cũng từng có những chuyện bạn cùng lớp lỡ tay gây họa cho bạn mình khi dùng thước thay cô giữ lớp…
Nhiều trường tiểu học hiện đã cấm giáo viên tuyệt đối không dùng thước to. Hiệu lệnh của cô ở nhiều trường giờ đã được thay bằng những tiếng chuông, tiếng lục lạc… nhỏ thôi nhưng rất vui tai và thân thiện. Nhiều thầy cô cũng đã thay thước kẻ bằng những cây ăngten có thể thu giãn dài ngắn khi cần chỉ lên bảng. Tiếc rằng những đổi mới này chưa phổ biến. Và tiếng thước chát chúa vẫn còn là nỗi sợ hãi của học trò tiểu học.