Không thể phủ nhận sự quan tâm, động viên của phụ huynh tới việc hình thành nhân cách, học hành và lập nghiệp của con trẻ. Tuy vậy, vẫn đang tồn tại rất nhiều cách nhào nặn con em mình theo những mẫu hình xấu và mở đường cho những lối sống không tốt.
Nói đến việc giáo dục người ta nghĩ ngay đến nhà trường. Coi đó như một phép màu và nghiễm nhiên cho rằng nhà trường là nơi chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ con em mình theo kiểu: trò hư tại thày. Nhưng kì thực sự trưởng thành của mỗi con người bao giờ cũng nhờ vào sự chung sức của cả trường học lẫn trường đời. Khi mà cha mẹ, người thân chính là những hình mẫu luôn hiện diện trước mắt và đáng tin tưởng nhất với các em. Lí thuyết là vậy nhưng thực tế thì sự dạy bảo ấy đang diễn ra muôn hình vạn trạng. Người lớn chưa thực sự ý thức được hậu quả những gì mình làm sẽ tác động như thế nào đến thế hệ sau. Nhiều người tự cho mình cái quyền “thoả mái” trong lối sống từ lời ăn, tiếng nói, sinh hoạt với mục tiêu: Cốt được việc của mình, cốt làm sao qua được còn mặc kệ những chuyện khác. Bởi thế mà từ lúc bé bắt đầu đến trường đã là cảnh chạy chọt luồn lách, xin điểm, xin xoá khuyết điểm…. Rồi vừa đắc ý khoe khoang, vừa lấy đó làm lời dăn bảo con: tao phải chạy mày mới vào được, liệu mà học con ạ!
Nói là thế chứ mọi lối đi đến với sự chân thành, trung thực, ngay thẳng và công bằng của trẻ đều bị phong toả bởi cách hành xử của cha mẹ. Bầu không khí trong nhiều gia đình luôn âm u, nặng nề bởi cái áp lực thành tích học tập của con để cha mẹ không bị bẽ mặt với xã hội. Con học giỏi ba mẹ vui đã đành, nhưng nhiều vị khoe khoang quá đà như thể ngoài quý tử của mình ra thiên hạ đều là “muỗi “hết. Thế nhưng, hễ các em có sơ sẩy thì mọi tội lỗi lại đổ lên đầu con trẻ và không tiếc lời mắc con là kẻ “ngu”, “khốn nạn” kia. Với nhiều người, trường, lớp, sự nghiệp giáo dục, văn hoá, tri thức… chỉ đơn giản như một cái chợ mà cốt làm sao có thể mua rẻ, bán đắt, mình và con cái được hơn đời, hơn nhà hành xóm. Và hơn cả mấy ông giáo “bán cháo phổi” kia. Cũng chính vì thế mà dù nhiều học sinh đã được đầu tư khá nhiều mà học lực và đạo đức vẫn còn nhiều bất cập. Câu nói “trăm sự nhờ thầy ” biết đâu đã đến lúc phải đảo vế là “trăm sự nhờ phụ huynh”!?
Làm cha, làm mẹ ai cũng mong con mình sẽ là một trang mới tươi sáng và no ấm hơn thời cha mẹ. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì mỗi bậc phụ huynh, mỗi người lớn trong xã hội phải có cái nhìn cao thượng và trung thực. Bản thân cha mẹ phải gương mẫu trong lối sống: không nói bậy, chửi tục, điêu ngoa, lừa lọc, chạy chọt… Biết vượt qua sự ích kỉ chỉ biết lợi cho mình, con mình để chung tay giúp sức cho con trẻ thành đạt và lên người. Dù ở cấp học nào, trình độ nào thì sự động viên khích lệ và lối sống mẫu mực, lời dạy bảo đúng đắn của cha mẹ vẫn là nguồn động lực giúp các em vươn lên. Và trên hết hãy luôn tin tưởng ở sự hồn nhiên và trong sáng của con em mình kể cả khi trẻ va vấp hay có khuyến điểm. Được như thế thì xã hội hoá giáo dục mới thực sự có chất lượng và đúng hướng.