Với tư cách là một bà mẹ trẻ có con đang học lớp 1, tôi hiểu được phần nào những tâm lý của các bà mẹ có con đi học lớp 1 và cũng như tâm lý của chính các em ở tuổi lần đầu tiên cắp sách đến trường. Có hiểu được tâm lý các em, chúng ta mới có cách cư xử cho đúng với con em mình. Nếu không, áp lực học hành sẽ rất tội cho các em.
Các bậc phụ huynh đừng lấy điểm số làm thước đo
Khi trẻ bước vào lớp 1 là các em phải làm quen với môi trường mới, bạn mới cộng thêm áp lực học hành, tuân thủ giờ giấc khiến các em phải “gò mình”, với tâm lý căng thẳng như vậy nên các bậc phụ huynh ngoài chăm sóc về điều kiện vật chất cũng phải quan tâm đến tâm lý cho con em mình. Không nên tạo áp lực quá đối với các em.
Ai cũng muốn con em mình học giỏi. Đó là mong muốn chính đáng của các bậc cha mẹ. Thế nhưng đừng vì điều đó mà áp đặt, kỳ vọng ở các em quá nhiều. Với lứa tuổi các em, không nên có những hành động áp đặt, cứng nhắc, mà nên có những lời động viên các em, cho các em cố gắng. Như thế sẽ có tác dụng rất nhiều đối với các em.
Mỗi buổi chiều đón con về, khi đi dưới sân trường, tôi đều thấy các bậc phụ huynh hỏi con: “Hôm nay con được mấy điểm”? Có em trả lời: “10 điểm ạ”. Thế là cả bố mẹ và các em đều vui. Điều đó thì chẳng nói làm gì. Thế nhưng, cũng có em chỉ được 6, 7 điểm. Và chắc chắn, các bậc phụ huynh sẽ không hài lòng về điểm số của con mình.
Các em học sinh lớp 1 rất cần sự động viên của người lớn.
Nhưng thay vì mắng mỏ, nạt nộ các em, rồi căn vặn chúng: “Tại sao bạn A được 10 mà con chỉ được 6, 7 điểm” hoặc “Lần sau mà được điểm kém, về bố mẹ phạt” hoặc “Tại sao lại được có 5 điểm. “Tao” cho mấy cái roi bây giờ” (tôi đã từng chứng kiến có phụ huynh nói với con em mình như thế) thì chúng ta nên động viên con như: “Lần sau con phải cố lên nhé” hoặc giả đùa giả thật, đặt giải thưởng cho các em: “Nếu được 10 toán, thưởng một cái xúc xích, nếu được 8, 9 thì chỉ được một gói bim bim”. Rồi hôm sau khi tan trường, thay vì hỏi con được mấy điểm, thì phụ huynh có thể hỏi: “Hôm nay được xúc xích hay được bim bim?”.
Chỉ cần vui vui như thế sẽ khiến cho các em vui lên rất nhiều (vì đằng nào sau mỗi buổi học, các bậc cha mẹ sợ con đói thường bồi dưỡng cho con khi thì gói bim bim, khi thì hộp sữa, rồi các xúc xích…). Cứ treo giải thưởng như thế sẽ là một cách khuyến khích với các em mà tâm lý các em cũng vui vẻ, thoải mái.
Nhà trường, giáo viên có vai trò quan trọng
Làm sao để các “sinh viên nhí” được đến trường với tâm lý, tinh thần thoải mái. “Sinh viên” lớp 1 là lứa tuổi vừa qua tuổi mầm non, lứa tuổi chỉ được ăn chơi, nên khi vào lớp 1 là một bước ngoặt lớn đối với các em. Chẳng thế nhiều em khi đi học đã từng khóc ré lên hoặc không chịu đi học. Đã vậy, lại chịu áp lực học hành, đang tuổi chạy, tuổi chơi, giờ phải “ngồi im” trong lớp sẽ khiến các em rất khó chịu. Vì thế giáo viên lớp 1 cũng sẽ rất vất vả. Nhưng các cô giáo cũng nên động viên các em, yêu thương các em.
Có một điều nữa các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý. Đó là trong mỗi lớp, giáo viên đều đề cử một bạn làm lớp trưởng. Lớp trưởng cũng bình đẳng như tất cả các bạn khác trong lớp, chỉ thêm một việc là lớp trưởng sẽ có giúp cô cai quản lớp mỗi khi cô đi vắng và giúp đỡ giáo viên một số việc. Nhưng là lớp trưởng không phải là cho mình cái quyền được “hách dịch”. Sở dĩ tôi phải dùng từ nặng như vậy bởi vì chính lớp con gái tôi, mặc dù còn bé nhưng cô bé lớp trưởng (thực ra là vì mới vào năm học, giáo viên cứ đề cử tạm một bạn) cô bé lớp trưởng này có thái độ không được vừa lòng người lớn lắm.
Có một lần tôi đi đón con, thấy giáo viên đi vắng, cô bé lớp trưởng này đang quản lớp. Và cô bé đang đứng trên bảng chỉ chữ rồi gọi các bạn lên đọc. Thay vì gọi “mời bạn” thì cô bé này lấy cái thước kẻ chỉ vào mặt các bạn và bảo: “Anh này”, rồi “chị kia” lên đọc bài. Là một phụ huynh, tôi vô cùng bức xúc. Vì với các em lớp 1, cái gì cũng mới mẻ, việc làm quen và thích nghi với việc học đã khó, đằng này như vô hình trung, các em chịu thêm sự cai quản của một bạn khác.
Mà theo như con gái tôi, các bạn rất “ngại” bạn lớp trưởng, nếu không nói là sợ. Con gái tôi về nhà cứ nói: “Mẹ ơi hôm nay lớp trưởng thế này, lớp trưởng thế kia” với thái độ nể sợ. Tôi phải trấn an con: “Con phải coi bạn lớp trưởng cũng như các bạn khác trong lớp thôi. Bạn ấy chỉ là đại diện cho các bạn thay cô cai quản lớp trong khi cô đi vắng. Và tôi phải nói vui: “Con cứ học cố lên, học giỏi và gương mẫu, con cũng có thể làm lớp trưởng mà”.
Khi tôi hỏi con cô giáo có biết chuyện này không thì may sao, con gái tôi bảo: “Cô giáo cũng biết rồi mẹ ạ. Cô bảo với bạn ấy, lần sau không được gọi các bạn bằng anh, bằng chị, chỉ nên gọi là bạn thôi”. Nghe vậy lòng tôi cũng đỡ bức xúc đi phần nào.
Làm sao các cháu được thoải mái, để tạo niềm hứng thú cho trẻ đến trường, để giảm áp lực cho trẻ trong việc học hành? Chỉ một vài tình huống như vậy nếu các bậc phụ huynh để ý một chút và động viên con em mình, các em sẽ vui vẻ và hứng thú khi đi học