Sau 2 lần thụ tinh không thành, tình cờ xin được phôi của một cặp vợ chồng cùng cảnh ngộ và sinh được đứa con trai kháu khỉnh thì… chị lại bị xin lại con.
Sau 7 năm làm đám cưới, vợ chồng chị Nguyễn Thị Th. (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn không thể sinh con, chạy chữa mãi cuối cùng vợ chồng chị quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Qua hai lần làm thụ tinh trong ống nghiệm đều thất bại, vợ chồng chị lại đặt hết hi vọng vào lần tới. Ngày đi chuyển phôi, vợ chồng chị vui mừng vì kết quả đậu hai phôi. Cùng cảnh ngộ với vợ chồng chị là một đôi vợ chồng tên H. (Hà Nội) cũng đến ngày chuyển phôi cùng thời điểm, cặp vợ chồng này đậu được 4 phôi. Khi chuyển phôi các bác sĩ chỉ chuyển 3 phôi một lần, còn dư mô phôi. Thấy vậy, chị Th. ngỏ ý xin phôi còn lại của vợ chồng H. và vợ chồng H. đồng ý cho.
May mắn, chị Th. là người duy nhất đậu được thai ngày hôm đó, còn vợ chồng H. đã bị hỏng. Ngày đứa trẻ chào đời, vợ chồng chị Th. vui mừng vì cháu là bé trai, mặc dù biết đứa trẻ này là phôi thai của vợ chồng H. cho chứ không phải của anh chị nhưng chị Th. vẫn thương yêu con như chính đứa con cùng huyết thống.
Éo le, gia đình nhà chồng H. là con một và nguy cơ cô phải li dị vì không sinh được con đã đến. Đến bệnh viện nơi mình gửi phôi cô được biết phôi thai năm trước cô cho vợ chồng Th. giờ đã trở thành một bé trai. H. tìm đến gia đình Th. cầu xin cho nhận lại con với bằng chứng cùng huyết thống.
Cùng cảnh ngộ hiếm muộn chị Th. chấp nhận để vợ chồng H. bế con đi với niềm an ủi đứa trẻ sẽ là con chung, nhưng không lâu sau vợ chồng H. chuyển nhà đi nơi khác, chị chấp nhận cảnh “mang thai hộ”.
Trẻ sinh ra có giống người cho trứng?
Từ chuyện hiến tặng phôi cho người hiếm muộn, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ, việc hiến trứng và tinh trùng phải hoàn toàn bí mật và mỗi người hiến, cho chỉ được thực hiện cho một người. Nếu thực hiện nghiêm quy định thì việc những đứa trẻ lớn lên và gặp nhau, kết hôn với nhau là rất hiếm.
Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra nhờ trứng của người khác sẽ không giống người cho trứng nhiều mà chủ yếu là người cha của đứa trẻ. Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, phần noãn chỉ là một tế bào, sự góp phần nhiều nhất vẫn là tinh trùng của người cha.
Trong trường hợp xảy ra giống của chị Th. thì việc chị Th. mất con theo đúng quy định là rất khó bởi điều này đã xảy ra ở nước ngoài nên khi về Việt Nam, pháp luật đã quy định cặn kẽ hơn.
Theo quy định, các cặp vợ chồng sau khi có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư thì có thể tặng lại cho cơ sở y tế nơi lưu giữ số phôi đó với sự đồng ý của cả hai vợ, chồng thông qua hợp đồng tặng, cho. Phôi của người cho có thể được sử dụng cho một người. Người nhận phôi phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng.
Pháp luật nghiêm cấm việc mang thai hộ nên đứa trẻ sinh ra sẽ là con đẻ của người sinh ra, người cho nhận phôi sẽ không được đòi quyền nuôi con. Ngược lại, con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi.