Hỏi: Tôi có hai con nhỏ, một cháu lên 10, một cháu lên 7. Ngày nào chúng tôi cũng có những tranh luận gay gắt về ăn món gì rồi giục giã nhau đi học bài, đi rửa ráy tay chân… “Điệp khúc ấy” cứ lặp đi lặp lại khiến cha mẹ thì bực bội mà con cái chẳng khác nào những cái máy. Làm sao để có thể giúp bọn trẻ tự ý thức mọi chuyện?
Trả lời: Xã hội càng phát triển, con cái càng được cha mẹ tạo điều kiện cho học hành, bao bọc kỹ càng hơn, vô hình trung đẩy con vào chỗ ỷ lại, đòi hỏi vô căn cứ. Vì vậy, muốn giúp trẻ thì ngay bản thân cha mẹ cũng phải có những thay đổi trong suy nghĩ, quan niệm và hành động hàng ngày.
Dạy con độc lập và cho con chủ động
Đây là hai mặt của một cánh cửa, không thể tách rời nhau. Mỗi một lứa tuổi của con, chúng ta phải dạy con những bài học cụ thể để chúng có thể tồn tại độc lập.
Bắt đầu phải dạy bé biết ngồi, biết đi, biết thể hiện mong muốn của mình. Rồi dạy bé biết vệ sinh cá nhân, biết phối hợp màu sắc, biết lựa chọn quần áo, đồ chơi, đồ ăn.
Rồi dạy bé biết làm việc nhà, từ việc gấp chăn màn, quần áo, thu dọn giường ngủ, đến quét dọn, sắp xếp đồ. Hướng dẫn bé cách nấu ăn, trang hoàng nhà cửa, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi…
Khi bé đi học phải hướng dẫn con cách học bài, cách kiểm tra bài vở, dụng cụ học tập, đề ra các qui định về thời gian biểu. Nhưng điều quan trọng là bạn tin tưởng ở con và cho con được quyền quyết định cuộc sống, học tập của nó.
Đừng thấy con mặc quần áo chậm mà mặc hộ, đừng sợ con tắm rửa bẩn mà làm cho, đừng thấy con học bài lâu thì ra ngồi đọc luôn cho cách giải… Chỉ cần để ý, con không mải chơi, làm việc nọ xọ việc kia, vừa học vừa chơi là ổn.
Dạy trẻ tự cân nhắc lựa chọn trong điều kiện cho phép
Cha mẹ có thói quen áp đặt lệnh cho con cái, lũ trẻ lập tức cưỡng lại bằng cách không nghe lời như là một sự khẳng định tự chủ.
Thay vì việc bảo chúng làm gì, bạn nên có những thông báo kiểu như “5 phút nữa là đến giờ rửa chân tay, con thu xếp nhé” hoặc “6h là nhà mình ăn cơm, sẽ có chuông báo kêu inh ỏi gọi các con đấy”.
Khi trẻ nhõng nhẽo đòi hỏi gì đó, không nhất thiết phải dập tắt bằng luật mà đưa ra lựa chọn: “Con làm xong 3 bài toán cô giao trong vòng 30 phút thì sẽ có 15 phút xem TV” hay “Nếu bây giờ mình trượt patin thì sẽ không kịp thời gian đi dự sinh nhật anh Tuấn” hoặc “Nếu không ăn được món này thì e con phải nhịn một bữa vì trong nhà không còn có món nào thay thế đâu”.
Nhưng, khi đưa ra sự lựa chọn rồi, bạn phải đảm bảo mình sẽ thực hiện được đúng như vậy, nếu không, lần sau, trẻ không coi trọng sự lựa chọn đó nữa.
Con cái không phải là người thể hiện mong muốn của cha mẹ
Đây chính là kim chỉ nam để con bạn không trở thành những cái máy. Muốn bọn trẻ dừng đọc sách, xem phim, chơi điện tử, bạn đừng stop quá đột ngột. Hãy chia sẻ với chúng niềm vui, kịch tính, những điều thú vị… mà chúng đang tận hưởng.
Và hãy xác định một cái mốc các con có thể quay lại với điều thú vị này trước khi bảo con dừng lại chuyển sang một việc gì đó. Nên chủ động hỏi con sẽ làm gì sau khi kết thúc một việc để bọn trẻ tự lên kế hoạch cho chúng.
Cha mẹ cho con cuộc sống, làm việc cật lực để nuôi con, cho con được học hành, tạo nền tảng cho con vào đời và con hãy tự tin tập bước rồi mạnh mẽ bước đi. Mong muốn đó chắc chắn giúp bạn không còn bức bối mà các con bạn không còn bị động chờ hiệu lệnh của cha mẹ nữa.