Tháng 9/2009, Bộ GD-ĐT ra văn bản “cấm dạy trước cho trẻ vào lớp 1”. Tháng 3/2010, người đứng đầu ngành giáo dục yêu cầu 5 thành phố lớn có giải pháp chấm dứt hiện tượng “luyện thi tiền lớp 1”.
Thực tế thì sao? Các lớp dịch vụ công khai để ôn trước kỳ thi tuyển vào lớp 1 ở một số trường tiểu học vẫn “đắt hàng”. Có nơi, người nhà của các cán bộ quản lý giáo dục vẫn đưa trẻ 5 tuổi đi luyện chữ tấp nập. Và, vào những ngày này, nhiều phụ huynh đã nháo nhào tìm lớp cho con học trước cho chắc, thậm chí còn “tạm biệt sớm” mẫu giáo để tập trung luyện ôn.
Không học, bạn khác cũng học
Mừng mừng tủi tủi, chị Hằng ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) khoe đã tìm được lớp học chữ cho cậu con trai 5 tuổi. Lớp học cách chỗ chị làm khoảng nửa cây số trên đường Bưởi (Hà Nội), cách nhà đến gần chục cây số. Không ngại chuyện đi xa, miễn là con có chỗ học tốt nên gia đình anh chị chẳng từ nan.
Không hiểu tốt thế nào, nhưng theo chị, mấy người bạn gần đó cũng đã cho con đi học. Lớp học là nhà riêng của một cô giáo đã về hưu và dạy trẻ nhiều năm nay. Những người đã cho con học nhận xét, trẻ vào học tuy chữ không được đẹp nhưng nền nếp rất ngoan, nhanh biết chữ, biết đọc. Đồng thời, ở đây, trẻ sẽ được nuôi ăn như ở trường mẫu giáo và học chữ thay vì học “nhảy múa hát ca”.
Nghe nói vậy, chị liền tất tả đến tìm hiểu, xin học và về cắt suất ở trường mẫu giáo. Dù được nhiều người khuyên là theo quy định không cần phải cho trẻ học trước khi vào lớp 1 nhưng chị lại lo lắng theo kiểu, con sinh vào cuối năm, “non” hơn các bạn đồng trang lứa nên buộc phải cho đi học trước.
Đây cũng là tâm trạng của nhiều phụ huynh khi tìm lớp cho con học trước.
Năm ngoái, chị Thu Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng “dời” cô con gái từ trường mẫu giáo về nhà cô để học chữ. Theo chị, lớp mẫu giáo lớn chỉ là hình thức trông trẻ mà chị thì cần cho con mình biết chữ trước khi vào lớp 1. Chị đã hỏi khắp bạn bè để tìm được một cô giáo tiểu học nghỉ hưu có mở lớp ở nhà để gửi con vào đó học bán trú. Thậm chí, khi vào tháng hè, chị còn xin tiếp cô giáo tiểu học để con học chữ theo nguồn chính thống và làm quen với cô giáo.
Không bỏ trường mầm non như 2 phụ huynh trên nên hành trình theo học chữ của mẹ con chị Thanh Lan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xem ra vất vả, tất bật hơn.
Chị Lan cho biết, hàng tuần khoảng 3 buổi, sau giờ học, mẹ con chị lại “khăn gói quả mướp” đến chỗ học thêm của cô giáo tiểu học của chính trường chị dự định xin vào. Điều quan trọng là để con làm quen vì đã nhắm vào lớp của cô.
“Không học trước khi vào lớp các bạn đều biết đọc, biết viết, con mình không biết gì sẽ học kém hơn, bị các bạn chê bai dễ chán nản. Trào lưu chung là như vậy thì mình không thể đứng ngoài cuộc” – chị Lan thẳng thắn.
Rục rịch tháng 3, rầm rộ tháng 7
Theo một hiệu trưởng, việc dạy trước cho trẻ vào lớp 1 chủ yếu diễn ra vào dịp tháng 3 và sẽ rầm rộ trong tháng 7 đến giữa tháng 8.
Những trẻ được gửi bán trú chủ yếu ở các lớp của cô giáo đã về hưu, nhóm trông trẻ, còn các cô giáo tiểu học dạy ngoài giờ do phụ huynh tha thiết “nhờ vả”. Lớp hè thì các cô tiểu học dạy nhiều hơn, chủ yếu là để trẻ làm quen cho bớt bỡ ngỡ và dạy những nét chữ cơ bản.
Theo chị Thu Anh, để trẻ không bị ngồi sai tư thế, cầm bút không đúng cách thì việc chọn cô giáo dạy trước rất quan trọng – chị Thu Anh chia sẻ.
Chị Bảo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gặp phải tình cảnh trớ trêu hơn. Dù vẫn cho con đi học trước đến gần 1 năm, nhưng khi vào lớp 1 được hơn 2 tháng, cu cậu vẫn “u tì quốc”.
Chị Bảo kể, nhiều lần đến đón con, thấy cô giáo kê hẳn cho cu cậu và một vài bạn khác một cái bàn để kèm riêng nhưng việc học cũng không tiến triển nhiều vì dường như lớp “luyện” đông học sinh, nhất là con chị lại không chịu tập trung.
Cô giáo cũng thường gọi điện “phàn nàn” về việc chậm tiếp thu của cháu khiến chị Bảo vô cùng lo lắng. Sau đó, để khắc phục tình trạng này, chị được bạn bè mách đến lớp học của một cô giáo về hưu ở trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).
Tuy cách nhà đến cả chục cây số nhưng hàng ngày, cứ sau giờ học ở trường, cu cậu này lại lên xe ôm (mỗi ngày hết 40.000 đồng – chị Bảo kể) đến lớp học.
Chị Bảo thừa nhận, dù là một giảng viên đại học nhưng không thể dạy được con do cu cậu được nuông chiều từ nhỏ. Khi chuyển “lò ôn”, cu cậu tiến bộ,ngoan và nền nếp hơn trước.
Nhớ lại việc cho con đi học từ 5 tuổi trước đó 1 năm, chị Bảo giãi bày: “Tôi sợ con người ta học rồi, con mình không biết gì lại bị các bạn chê cười là học dốt. Tôi không sợ cháu dốt nhưng sợ ảnh hưởng đến tâm lý bị chê bai của trẻ”.
Còn anh Phương (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) thì thẳng thắn chia sẻ, Bộ GD – ĐT nói là không nên đi học trước, nhưng các cô giáo không nghĩ thế.
“Các cô chả muốn mất thời gian luyện cho các cháu đâu. Nếu không học trước, có khi cô lại gọi cho bố mẹ, bảo cháu nó chậm lắm, khiến mình hoảng vì tưởng con có vấn đề về trí tuệ” – Anh Phương nói.
Với suy nghĩ như thế, nên trước khi vào lớp 1, anh đã cho con gái đi học đánh vần, ghép chữ trước. Lớp học ôn do chính cô giáo ở trường tiểu học mà con anh sẽ học khi vào năm học mới.