Gần đây, chị Nhung, ở Thanh Xuân, Hà Nội thấy cậu con trai 13 tuổi vốn rất nghe lời tự dưng hay càu nhàu và hò hét inh ỏi cả nhà bất cứ khi nào bị bố mẹ nhắc việc gì. Cầm đồ gì lên, cháu cũng thả rầm một cái như để phản đối.
Hai vợ chồng chị bảo con lên phòng chuẩn bị quần áo đi thăm ông bà thì cháu nhất quyết không đi. Hỏi gì cũng không nói, cháu tỏ rõ sự chán chường và thất vọng với cha mẹ.
Theo lời kể của chị Nhung, mọi chuyện bắt đầu từ một lần bố Dũng có hứa nếu trong tuần cậu được hai lần điểm 10 thì cuối tuần sẽ cả nhà đi công viên và cho chơi trò đua xe bắn súng. Từ sau hôm nghe bố nói điều đó, cậu đã được hai điểm 10 liền. Nghĩ thế nào cũng được đi chơi, cậu đã khoe với vài đứa bạn thân ở lớp và hàng xóm. Mỗi lần nhắc đến thì cháu đều thấy tự hào.
Thế nhưng bố cậu lại có việc đi công tác xa đột xuất, nên lời hứa đó không thành hiện thực.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương, chuyên viên tư vấn tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em N-T Nguyễn Khắc Viện cho biết, khi biết rằng lời hứa của bố, sự cố gắng, chờ đợi của mình chẳng có nghĩa lý gì cả, Dũng đã có sự phản kháng dữ dội. Hơn nữa, cậu còn cảm thấy xấu hổ với bạn mình đã khoe khoang.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện con cái không vâng lời. Có khi việc không nghe lời xuất phát từ trẻ, muốn khẳng định cái tôi, muốn thể hiện bản thân… Nhưng ngược lại, thỉnh thoảng, chính cách cư xử chưa hợp lý của bố mẹ lại làm con thêm bướng bỉnh.
Có phụ huynh vừa đi làm về đến nhà thấy con đang ngồi xem tivi đã quát lên “Con đứng dậy đi thay quần áo ngay. Sao đi học về chưa thay hả? Con cái gì, lớn rồi cứ để mẹ phải nhắc nhở, tắt tivi ngay, lúc nào cũng xem xem xem…”. Trong trường hợp này, nhiều trẻ sẽ cãi lại “Con vừa về đến nhà mà”, “Con xem tí chứ mấy”, “Quần áo con vẫn còn sạch mà”.
Theo các nhà tâm lý, sau một ngày xa mẹ, trẻ vừa nhìn thấy mẹ về đến nhà đã nghe một loạt yêu cầu (tắt tivi; thay quần áo, phải bớt xem tivi…) thì đứa trẻ nào cũng cảm thấy bị ức chế, cho rằng “Chắc ba (mẹ) không thương yêu mình”. Trẻ sẽ thấy như mình làm việc gì cũng có lỗi, không làm cũng có lỗi. Trong khi rõ ràng vì quan tâm đến con cha mẹ mới nói như thế nhưng trẻ sẽ không nghĩ sự việc theo hướng đó.
Việc giáo dục con cái là điều quý giá nhất trong đời nhưng nuôi dưỡng, dạy dỗ như thế nào không hề đơn giản. Thạc sĩ tâm lý Hằng Phương chia sẻ một số “bí quyết” khi trò chuyện với con nói chung và trong những lúc con không vâng lời qua một số quy tắc sau:
1. Luôn khẳng định bố mẹ yêu thương con bằng mọi cách, thông qua mọi hành động.
Cách tốt nhất để con biết chắc rằng bố mẹ yêu thương con đấy là thông qua lời nói. Mỗi ngày, bố mẹ hãy nói với con thật nhiều lần với thông điệp “Bố, mẹ rất yêu con”, “Con rất đáng yêu”…. Với trẻ nhỏ, những câu nói đầy cảm xúc như thế này sẽ giúp con tự tin là dù thế nào thì bố mẹ cũng yêu thương mình. Nhờ đó, trẻ sẽ vững vàng, mạnh mẽ hơn trong những hoàn cảnh mà các con đối diện hàng ngày.
Với trẻ lớn hơn, nhiều lúc cha mẹ rất ngại ngùng khi bày tỏ tình yêu thương thông qua lời nói như với trẻ bé. Lúc đó, chúng ta có thể dùng những câu như: “Cả ngày hôm nay đi làm, mà bố (mẹ) cứ nhớ đến con và nghĩ xem giờ này ở lớp thì con đang làm gì. Không biết bố (mẹ) giúp gì được cho con nhỉ?…”
2. Cha mẹ hãy bình tĩnh khi gặp tình huống con không nghe lời.
Nhiều phụ huynh khi thấy con không vâng lời thì quát: “Sao con hư thế nhỉ”, nặng nề hơn thì “Mẹ thấy khổ sở vì có đứa con hư hỏng như con”. Thậm chí, có gia đình còn thường xuyên dùng câu “Cái đồ hư hỏng”. Sự thật thì có thể vấn đề mà con gây ra chưa đến mức nghiêm trọng như lời bố mẹ nói. Nhưng ngay cả khi con có hư thật thì chưa phải đến mức lúc nào trẻ cũng cư xử không ra gì.
Lúc này, cha mẹ hãy chọn một từ cho hợp lý để nói với con. Thay vì nói con hư tất tật, thì có thể nói “Bố (mẹ) thấy con hư vì đã làm vỡ cái bình đá quý”, “Bố mẹ rất bực mình vì con đã không vâng lời bố mẹ trong chuyện đi thăm hỏi ông bác họ hoặc trong chuyện con cáu giận em”…
Điều này có nghĩa là, chúng ta sẽ nói đúng chuyện mà trẻ vừa gây cho ta khó chịu, chứ không nói về cả con người, nhân cách của trẻ. Tương tự như vậy, khi chúng ta có ý định khen trẻ điều gì đó, nếu chúng ta nói “Con thật tuyệt vời. Con thật giỏi” cũng sẽ không đem lại tác dụng như khi chúng ta nói rõ cụ thể điều mà trẻ đã làm được. Chẳng hạn: “Mẹ thấy con thật người lớn khi biết giúp em cất dọn đồ chơi”, “Bố thấy con đã rất thành công khi sửa được cái điều khiển tivi này”…
3. Để định hướng cho trẻ làm đúng với yêu cầu của mình, cha mẹ có thể sử dụng những mẫu câu:
– “Bố, mẹ muốn con + vấn đề” (Bố mẹ muốn con nhanh chóng dọn lại số đồ chơi này vào giỏ, Bố mẹ muốn con rửa tay nhanh hơn).
– “Con giúp mẹ + vấn đề” (Con giúp mẹ cất đôi tất của con vào máy giặt nhé).
– “Bố, mẹ biết con có thể + vấn đề” (Bố mẹ biết con có thể mặc áo nhanh hơn mà).
– “Bố, mẹ đã đồng ý cho con + vấn đề, nhưng không đồng ý + vấn đề” (Bố mẹ đồng ý cho con sang nhà anh hàng xóm chơi, nhưng bố mẹ không đồng ý chuyện con chưa làm xong bài tập này).
– Thể hiện tình cảm với con bằng mọi cách:
“Bố, mẹ rất buồn nếu + vấn đề” (Bố mẹ rất buồn phiền nếu cứ mỗi lần bố mẹ đề nghị con đi thay quần áo nhưng con lại cứ mải xem tivi như vậy)…
Cha mẹ có thể ghi những câu này và dán lên tủ lạnh, phòng tắm, tủ quần áo… để nhắc nhở con một cách tế nhị và rất hiệu quả. Và dưới mỗi câu dành cho con, cha mẹ không quên vẽ hình trái tim hoặc mặt cười để thêm một lần nữa khẳng định tình yêu thương mà mình dành cho con.