Việc nhai mớm cơm của người lớn cho trẻ dễ khiến trẻ lây viêm dạ dày nếu người lớn mắc vi khuẩn gây bệnh. Bệnh viêm dạ dày trước tiên sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của trẻ. Về lâu dài, đây chính là tiền thân của bệnh lý ung thư dạ dày nếu không được điều trị dứt điểm.
Dễ nhầm với các bệnh tiêu hóa khác
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý viêm dạ dày như do nấm, virus, do bệnh nhân dùng thuốc điều trị một bệnh khác có ảnh hưởng đến dạ dày. Nhưng nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính là vi khuẩn Helicobacter pylori. Bệnh có thể xảy ra nếu trong gia đình có người bị viêm loét dạ dày tá tràng, hoặc do vệ sinh ăn uống kém.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Mạnh Thân, Bệnh viện Xanh Pôn, khi bị viêm dạ dày, trẻ thường gặp các triệu chứng như trướng bụng, đầy hơi, đau bụng âm ỉ, rối loạn tiêu hóa, Nôn và buồn nôn… Ngoài ra, trẻ cũng có thể có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa như Nôn ra máu, đi ngoài phân màu đen như bã cà phê hoặc máu tươi, thậm chí có những biểu hiện của thiếu máu như Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, lòng bàn tay bàn chân trắng nhợt, mệt mỏi, kém ăn, gầy yếu, kém phát triển.
Trong đó, đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất; đa số là đau lâm râm vùng bụng trên rốn kéo dài và tái phát. Theo một nghiên cứu đối với các bệnh nhi viêm dạ dày thì hơn 90% trẻ viêm dạ dày có triệu chứng đau bụng tái phát. Tuy nhiên, khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng, cha mẹ lại rất hay nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa khác của trẻ như đau bụng giun, rối loạn tiêu hóa, từ đó dẫn đến những xử trí sai.
Việc điều trị không đúng làm cho bệnh không khỏi mà nguy hiểm hơn, bệnh sẽ tiến triển theo chiều hướng nặng lên.
Dễ dẫn đến ung thư
Viêm loét dạ dày gây ra nhiều tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, làm trẻ không ăn uống được do Nôn trớ hoặc chậm tăng cân, đau bụng tái diễn và kéo dài ảnh hưởng đến các sinh hoạt khác. Về lâu dài, nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tiến triển mạn tính sẽ khiến cho dạ dày bị loét đi loét lại, gây ra loạn sản tế bào, tiền thân của bệnh ung thư dạ dày sau này. Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán xác định viêm loét dạ dày tá tràng và điều trị dứt điểm.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, do bệnh lây theo đường ăn uống nên để đề phòng viêm dạ dày ở trẻ, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn… Ngoài ra, vi khuẩn Hp còn có trong nước bọt, lợi và chân răng của con người. Vì thế, người lớn không nên nhá cơm cho trẻ ăn. Bởi người lớn có thể mắc vi khuẩn Hp mà không biết, khi nhai thức ăn rồi mớm cho trẻ ăn, họ sẽ làm bé bị lây bệnh.
Các chuyên gia cũng lưu ý các bậc cha mẹ phải điều trị cho con đủ liều, đúng theo yêu cầu của bác sĩ để tránh hiện tượng nhờn thuốc. Khi trẻ bị bệnh, nên cho trẻ ăn uống theo chế độ bồi dưỡng, ăn thức ăn dễ tiêu (tránh dầu mỡ nhiều và các chất có chứa cồn), không nên uống nước ngọt; không ăn các thức ăn không tốt cho niêm mạc dạ dày như dứa, mít, chuối…