Hỏi: Tôi có con trai 5 tuổi và con gái 1 tuổi. Với cháu trai hiếu động và nghịch ngợm, vào cuối tuần tôi để chơi trong sân vườn với các trẻ khác, tự do đá bóng hoặc trốn tìm. Các buổi tối tôi cho cháu ngồi tập viết chữ khoảng 15 phút theo chương trình mẫu giáo, sau đó ngồi nói chuyện với con về việc học ở lớp, chơi trò Sudoku và cuối cùng là nghe đọc truyện trước khi đi ngủ. Con tôi rất thích nghe bố mẹ đọc hoặc kể chuyện, nhờ vậy vốn từ của cháu khá phong phú và diễn đạt khá tốt những cảm xúc của mình. Với cháu gái, tôi có gắng dành nhiều thời gian trò chuyện, hát cho con nghe, nhìn các sự vật và gọi tên, lăn bóng qua lại với con, chơi ú oà…. Cách dạy như vậy đã đúng chưa?
Trả lời: Chúng tôi thấy việc chị dạy cháu như vậy là tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm đến cách chơi, cách dạy trẻ như thế nào để trẻ cảm thấy tự tin, sáng tạo và say mê với hoạt động chơi hay với các câu chuyện mẹ kể. Đối với trẻ nhỏ, nên chú ý một số điểm khi chơi:
– Luôn khuyến khích động viên trẻ để trẻ tìm thấy hứng thú, say mê hơn. Nếu trẻ làm điều gì đó chưa được thì nên góp ý nhẹ nhàng hơn như: “Theo mẹ nên cố gắng một chút nữa ở điểm này sẽ tốt hơn hoặc là con hãy cố gắng lên, mình sẽ thành công”.
– Không nên áp đặt trẻ theo một khuôn muẫu định sẵn, cứng nhắc (tuy nhiên, nếu quá lệch lạc thì cần phải điều chỉnh), cho trẻ tự do lý giải và trình bày bảo vệ sẽ giúp trẻ sáng tạo và tự tin hơn. Ví dụ, khi chuẩn bị có mưa thường có chớp sáng, chúng ta thường nghĩ và dạy trẻ đó là ánh chớp báo hiệu trời sắp mưa. Nhưng trẻ lại không nghĩ vậy và bảo là ông trời đang “chụp ảnh” là khác với những gì chúng ta đang dạy. Liệu trẻ nghĩ vậy có sai không? Chúng ta hãy để cho trẻ giải thích, nếu có lý hay thì chúng ta không những chấp nhận mà còn động viên trẻ nữa, điều này sẽ giúp cho trẻ tích cực và sáng tạo hơn.
– Khi trẻ kể một câu chuyện, làm xong một đồ chơi hay, đóng một vở kịch, xem phim hoạt hình, cha mẹ nên đặt những câu hỏi giúp trẻ suy nghĩ, phát triển sáng tạo…
– Khi làm được một sản phẩm nào đó thì yêu cầu trẻ phải giải thích, bảo vệ quan điểm của mình.