Đánh chữ “bạo hành trẻ em” trên Google, trong vòng 0,28 giây cho ra 1.250.000 thông tin truy cập chứng tỏ “bạo hành trẻ em” không còn là chuyện hiếm nữa mà quả thực đã trở thành một vấn nạn đáng báo động. Theo số liệu thống kê mới đây từ Cục Bảo vệ – Chăm sóc trẻ em, sự xâm hại và bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần, tại cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần so với 10 năm về trước. Điều đáng nói là hầu hết các vụ việc khi phát hiện ra thì trẻ em thường phải trải qua một thời gian khá dài bị hành hạ tàn nhẫn.
Theo cơ quan nói trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như nhận thức về bảo vệ trẻ em của người dân chưa đầy đủ, việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho các em còn hạn chế trong khi môi trường xã hội ngày càng phức tạp, thiếu hệ thống bảo vệ trẻ em… Ở góc nhìn khác, một chuyên gia của UNICEF cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng trầm trọng do Việt Nam còn thiếu những quy định pháp lý cụ thể. Chúng ta đều biết, quyền được sống và quyền được phát triển là 2 trong 4 nhóm quyền cơ bản được ghi nhận trong Công ước về Quyền trẻ em – bộ luật quốc tế để bảo vệ quyền trẻ em bao gồm 54 điều khoản (Việt Nam phê chuẩn năm 1990). Công ước đề ra các quyền cơ bản của con người mà trẻ em trên toàn thế giới đều được hưởng. Điều 110 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCNVN cũng quy định rõ về tội hành hạ người khác. Ngoài ra, còn có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Nghị định 114/2006/NĐ-CP về xử phạt các vi phạm hành chính về trẻ em… Điều đáng nói là luật pháp về quyền trẻ em ở Việt Nam không phải là chưa có, nhưng vấn đề là trẻ em Việt Nam nói chung và ngay cả những trẻ em đủ tuổi đến trường, học ở các bậc tiểu học trở lên, có bao nhiêu em biết được các quyền của mình. Tương tự, có bao nhiêu người lớn trong xã hội thực sự hiểu biết và thượng tôn pháp luật về quyền trẻ em? Nhưng ít nhất việc luật hóa các quy định về việc sử dụng bạo lực với trẻ sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân. Nếu chỉ xử lý vụ việc theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa, chữa triệu chứng mà không giải quyết từ gốc thì chắc chắn chúng ta sẽ lại chứng kiến những vụ bạo hành trẻ em dã man khác.Việc một thế hệ được dạy bằng roi sẽ lại tiếp tục áp đặt tư duy này lên các thế hệ tương lai là điều có thể lường trước. Theo Tiến sĩ Elizabeth Thompson Gershoff, trẻ em bị bạo hành khi lớn rất có khả năng lại trở thành người “bạo hành trẻ em”.
Tuy nhiên, các nhà giáo dục thì cho rằng, khi nhân nghĩa, đạo đức không thể cảm hoá được cái ác thì mới phải dùng đến công cụ của pháp luật. Càng phải dùng đến pháp luật để can thiệp thì càng cho thấy đạo đức xã hội đã lâm vào bế tắc, khủng hoảng. Một nền giáo dục mất cân bằng giữa việc truyền dạy tri thức và kỹ năng sống, cụ thể là những kỹ năng để xây dựng đời sống hạnh phúc gia đình như tình yêu thương con người, sự tôn trọng phẩm giá và bảo vệ môi trường sống… sẽ đưa đến những ứng xử bất ổn. Bạo hành trẻ em xảy ra phản ánh rõ các trạng thái tâm lý của những người đã liên tục rơi vào những tình huống quá tải, thể hiện sự bất lực của họ trong việc quản lý, điều tiết cảm xúc cho một tình huống. Cuộc đời sẽ nhân ái hơn khi người biết dễ dàng tha thứ cho nhau, còn như lúc nào cũng phải dùng đến pháp luật để ứng xử thì cuộc sống đã bế tắc và đi vào ngõ cụt.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là ngày càng đang phổ biến nhiều hiện tượng chưa phân định rõ tốt, xấu, thậm chí lẫn lộn trắng đen. Triết lý cổ truyền của nền văn minh Phương Đông cho tới Chủ nghĩa duy vật biện chứng đều chỉ ra rằng, trong xã hội chẳng có hiện tượng nào lại không tương quan nhân quả với nhau: Quan bạo ác thì dân dễ có hành vi bạo ác; Cha mẹ bạo ác thì con cái dễ có hành vi bạo ác; Thầy cô bạo ác thì học trò dễ có hành vi bạo ác… Cái ác mang mặt nạ lương thiện càng nhiều, thì sự tàn phá xã hội của nó càng lớn. Trong khi hành vi bất lương hiện ra rõ ràng trước mặt mọi người, chẳng màu mè giả tạo thì dù có đau xót, nhưng không khó để phòng tránh. Chính những kẻ tâm địa độc ác mà đóng vai từ thiện, đóng vai giáo dục, đóng vai cứu người… mới đúng là cội nguồn của mọi hiểm họa.
Việc con cái của người lao động ở nước ta hiện nay chưa được quan tâm chăm sóc đầy đủ, không được gửi vào những nhà trẻ đúng nghĩa đã phản ánh thực trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, mà phần thiệt thòi luôn thuộc về người lao động. Nói theo học thuyết kinh tế của Karl Marx, công nhân khi bán sức lao động, họ phải nhận được một lượng giá trị mới đủ để tái tạo sức lao động và trang trải những nhu cầu thiết yếu cho gia đình, con cái họ thì đó mới là sự phát triển bền vững cho chính gia đình họ nói riêng và cả xã hội nói chung.
Bạo hành trẻ em, suy cho cùng có nguồn gốc từ môi trường xã hội, cần phải được lý giải từ những biểu hiện bạo hành nhỏ như “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, đến biểu hiện bạo hành lớn gây hại cho cộng đồng. Khi “chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh” thì lúc đó bạo lực sẽ hoành hành xã hội. Bởi lẽ, từ cái ác nhỏ không được ngăn chặn sẽ dẫn đến cái ác lớn. Rồi từ những cái ác lớn không được chỉnh đốn dẫn đến hàng loạt những cái ác nhỏ bắt chước làm theo. Trẻ em, với năng lực và kỹ năng chống đỡ yếu ớt, đáng buồn thay lại chính là đối tượng luôn lãnh nhận nặng nề nhất các hệ lụy của bạo lực và sử dụng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề.