Nhằm thúc đẩy việc chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn trong từng gia đình, cộng đồng xã hội, Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển đã triển khai dự án “Làm cha mẹ tốt” tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tiến tới triển khai tại tuyến xã/phường của tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Đây là dự án giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái đúng phương pháp và khoa học.
Kìm hãm cơn thịnh nộ
Sau 2 năm thực hiện thử nghiệm “Làm cha mẹ tốt”, đa số các ông bố, bà mẹ đều chia sẻ niềm vui, sự thú vị của dự án này với người thân, bạn bè và hàng xóm. Trải nghiệm thành công nhất của các bậc phụ huynh là kiềm chế được cơn nóng giận khi con mắc lỗi. Dù ít hay nhiều thì hầu hết mọi người đều đã biết dừng lại không mắng, hoặc đánh con như trước khi thấy con mắc lỗi. Ngoài ra họ cũng biết kiềm chế nóng giận nên giảm hẳn xung đột trong gia đình.
Anh Nguyễn Cao Thắng (lập trình viên của một công ty thiết kế phần mềm máy tính) kể lại câu chuyện với các bậc cha mẹ về cách trừng phạt con cái. Khi còn nhỏ anh và các chị gái đã suýt làm cháy nhà. “Mấy chị em tôi ý thức được rằng chúng đã làm một chuyện tồi tệ và nguy hiểm. Lương tâm tôi cắn rứt, những lời xin lỗi và nước mắt. Nhưng mẹ vẫn không đồng ý đã đánh chúng tôi gãy cả cán chổi và bỏ đói hơn một ngày”… “Đó là cái việc dở nhất mẹ đã áp dụng với chúng tôi, sau này mẹ nói thế” – anh Thắng chia sẻ trong sự bàn tán xôn xao của các phụ huynh, về các biện pháp áp dụng hình phạt đối với con của họ.
Nhiều cha mẹ thích phạt con cái. Chuyện ấy thật dễ. Mắng chửi và đánh đập con cái chỉ giống như phản xạ trước một tội lỗi. Nhưng họ không hiểu rằng các hình phạt phát sinh từ sự giận dữ của cha mẹ, chẳng có tác dụng, bởi vì trẻ biết được điều chủ yếu nhất là chúng đã làm cho bố mẹ nổi cáu.
Điều mà chúng cần phải học là biết suy xét cho đúng: Chúng nên cư xử tốt không phải vì chúng sợ phạt mà vì chúng sẽ cảm thấy sung sướng biết bao khi làm điều tốt. Người ta thường nhầm lẫn kỷ luật với hình phạt, trong khi hình phạt có thể là hậu quả của việc thiếu kỷ luật trong một gia đình. Một đứa trẻ sống có kỷ luật với những thói quen tốt, có cha mẹ yêu thương nó sẽ kiềm chế hơn trong các hành vi vì nó biết điều gì chờ đón nó.
“Làm cha mẹ tốt” là nơi chia sẻ những băn khoăn trong nuôi dạy con cái của mọi người và họ đều có thể chia sẻ cho những lời khuyên bổ ích và học cách giải quyết. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng môi trường xã hội hiện nay ảnh hưởng đến trẻ như: cờ bạc, nghiện hút, HIV, internet tràn lan… Họ lo lắng có thể con họ ở nhà vẫn nghe lời, nhưng khi đi ra ngoài lại đua đòi với bạn bè sa ngã vào những thói hư trong xã hội. Họ thổ lộ rằng, trước đây do đi làm về mệt mỏi, họ thường ít khi nghe con giải thích hoặc chia sẻ một điều gì.
Vì vậy, qua “Làm cha mẹ tốt”, đa số phụ huynh đã dành nhiều thời gian trò chuyện với con cái hơn và hiểu được tầm quan trọng khi nói chuyện và lắng nghe con trò chuyện. Từ việc hiểu tâm lý lứa tuổi của con, nhiều cha mẹ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và áp dụng đúng kỹ năng để giáo dục con cái cho thích hợp. Nhiều bậc cha mẹ đã áp dụng thành công kỹ năng thiết lập nề nếp trong gia đình. Con cái đã ngăn nắp, làm theo nề nếp đã đề ra và tiến bộ hơn rất nhiều.
Tâm sự nhiều hơn với con
Một tín hiệu đáng mừng là 99% cha mẹ cho rằng con cái của họ nghe lời bố mẹ hơn khi cha mẹ áp dụng những phương pháp tích cực sau khi tham gia “Làm cha mẹ tốt”. Chị Nguyễn Thị Mỹ (ở xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) tâm sự: “Tôi thấy rằng trước đây khi chưa hiểu trẻ, chưa lắng nghe trẻ, tôi đã quát mắng và đánh con một cách vô lý. Sau khóa học, tôi đã dành nhiều thời gian cho con hơn như tâm sự với con, đưa con đi chơi, tìm hiểu những vấn đề khó khăn đối với trẻ khi ở trường”…
Một trong những điểm thu hút những ông bố, bà mẹ, những bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình đến với “Làm cha mẹ tốt” đó là họ có thể cùng tham gia nội dung bài học, các trò chơi về nội dung chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em. Do vậy, họ không thụ động ngồi tiếp nhận thông tin mà có thể chia sẻ, hoặc phản đối nếu không đồng quan điểm.
Anh Quang Võ, 37 tuổi xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc vui vẻ bộc bạch: “Để làm cha mẹ tốt, chúng tôi phải… học. Những kiến thức trong lớp học chúng tôi có thể áp dụng được ngay trong việc nuôi dạy con cái hàng ngày, bổ sung những kiến thức thiếu hụt mà chúng tôi chưa có hoặc chưa biết. Chính điều đó đã lôi kéo chúng tôi đến với lớp học đầy đủ và cảm thấy thú vị”.
Do mỗi trẻ lại có một tính cách khác nhau nên việc áp dụng kỹ năng ở mỗi trẻ cũng khác nhau và cha mẹ cần áp dụng sao cho đạt hiệu quả mới là quan trọng. Chính vì vậy, thời gian dành cho việc giáo dục con cái phải là một quá trình không thể vội vàng và các kỹ năng cũng phải được áp dụng nhiều lần và kết hợp với nhau.
Đa số phụ huynh cho rằng “Làm cha mẹ tốt” mang lại nhiều hiệu quả cao và họ mong muốn dự án này sớm được mở rộng trên toàn quốc để giảm thiểu những trẻ nhỏ hàng ngày hàng giờ đang phải chịu trừng phạt thân thể, tinh thần ngay tại mái ấm thân yêu của mình.