Thời gian qua báo chí đã đưa tin nhiều đường dây chăn dắt trẻ em ăn xin, bán vé số, đánh giày… bị cơ quan chức năng triệt phá… Nhưng các cơ quan chức năng lại không thể xử lý vi phạm theo đúng hành vi: cưỡng bức trẻ em lao động để trục lợi. Bởi luật quy định việc xử lý hành chính chỉ trong duy nhất trường hợp “bắt trẻ em ăn xin”, còn bán kẹo cao su, bán vé số, đánh giày… thì không có khung hình phạt hành chính…
Phạm luật nhưng khó kiềm chế
Trên một số con phố của Hà Nội như Cấm Chỉ, Phùng Hưng, Cao Bá Quát hay một số đường ngang trên các tuyến phố như Cát Linh, Phạm Ngọc Thạch, cuối đường Trần Phú… về đêm là những khu vực sầm uất các dịch vụ ăn uống như đồ lẩu, đồ nướng, hải sản, nước gạo rang. Cũng tại đây thường xuyên có một đội quân trẻ em làm những công việc như bưng bê, đánh giày, bán bóng bay, kẹo cao su, băng đĩa…
Không chỉ thế, ngồi ăn uống tại bất cứ địa điểm nào ở nhiều thành phố, chúng ta có thể được 5 – 6 trẻ đến bên bàn chào mời các loại mặt hàng bán rong, phần lớn là các em ở độ tuổi dưới 15, thậm chí có em chỉ mới có 4 – 5 tuổi. Tại Hội thảo “Rà soát luật pháp chính sách về lao động trẻ em” mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hữu- Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho rằng: “Lao động trẻ em còn tồn tại khá nhiều, những con số các địa phương báo cáo có 27-28 nghìn trẻ là thiếu chính xác. Theo khảo sát, phải có đến 1 triệu trẻ em phải lao động ở độ tuổi dưới 15”.
Bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết: “Lào Cai có 2 huyện Sa Pa và Văn Bàn có số lượng trẻ em phải lao động sớm và lao động nặng nhọc lên tới gần 200 em. Những em nhỏ ở đây lao động kiếm sống bằng việc đeo bám khách du lịch để bán hàng rong, biểu diễn nghệ thuật, hướng dẫn du lịch tự do, phục vụ nhà hàng, khách sạn, khuân vác. 100% là trẻ em dân tộc thiểu số nhưng có thể nói được tiếng Anh khá tốt, thấy việc kiếm tiền khá dễ nên rất nhiều em đã bỏ học đi làm kiếm tiền”.
“Theo luật hiện nay, trẻ em lang thang, lao động đường phố là vi phạm. Có những đối tượng như xiếc, tráng men, làm bạc trong các làng nghề truyền thống, theo luật hiện nay của chúng ta là được phép, nhưng thực tế những lao động ấy lại rất độc hại nhưng luật lại cho phép làm từ bé. Cho nên cần một sự rà soát về luật pháp theo độ tuổi, đối tượng lao động”. Ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.
Bất cập từ khung pháp lý
Ông An khẳng định: “Nhất định phải xóa bỏ lao động trẻ em đường phố, chuyện xóa bỏ trẻ em đường phố đã được cam kết từ lâu. Nó thể hiện ở Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành”.
Tuy nhiên, ngay ở khung pháp lý, vấn đề này cũng đã tồn tại nhiều bất cập. Trong 3 Bộ luật có liên quan đến trẻ em là Luật Hình sự, Luật Lao động, Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, đều có những mâu thuẫn về quy định độ tuổi và tên gọi độ tuổi. Chúng ta cũng chưa có một định nghĩa, một khái niệm về lao động trẻ em một cách rõ ràng. Và chúng ta cũng chưa có điều tra cụ thể về số lượng trẻ em tham gia lao động ở Việt Nam. Cùng với những phức tạp về mặt xã hội và quản lý, việc ngăn chặn tình trạng trẻ em lao động trước độ tuổi ở Việt Nam đồng nghĩa với việc xóa lao động trẻ em đường phố là một vấn đề không dễ giải quyết triệt để.
Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Nhiều gia đình nhận tiền trước của chủ cửa hàng, chủ xưởng để cho con mình vào thành phố làm việc. Chính cha mẹ chúng lại là người đầu tiên lạm dụng lao động trẻ em. Kinh tế gia đình khó khăn khiến các bậc cha mẹ buộc phải đẩy các em ra thành phố lớn kiếm sống, hỗ trợ gia đình”. Để giải quyết triệt để vấn đề này, theo bà Minh, khi trả các em về địa phương cần phải có chính sách hỗ trợ những gia đình các em khó khăn có cuộc sống ổn định, tùy vào đặc thù của mỗi địa phương. Có như thế mới ngăn chặn được tình trạng trẻ em đổ ra các thành phố lớn lao động kiếm sống khi chưa đầy 15 tuổi.