Khi có ý định mang thai hãy hỏi mẹ, chị gái, người thân trong gia đình bạn về quá trình mang thai của họ. Chắc chắc những kinh nghiệm của họ sẽ cho bạn những bài học bổ ích.
Khoa học đã chứng minh rằng có một vài biểu hiện chung có thể xảy ra với những người trong cùng một gia đình. Bạn có thể thảo luận với bác sỹ về những thông tin mang thai của những người thân để có thể đề phòng trước những trường hợp có thể xảy ra với mình. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì bác sỹ sẽ xác định được yếu tố nào là do di truyền, yếu tố nào là do những nguyên nhân khác như tinh trùng yếu, yếu tố môi trường, tuổi tác.
Bạn cũng cần sự chia sẻ và giúp đỡ rất lớn của chồng vì một mình bạn sẽ không thể tự mình làm được mọi thứ trong quá trình mang thai và nuôi con. Hãy trao đổi với anh ấy những kiến thức xung quanh việc bạn mang bầu và nuôi con để anh ấy chung sức với bạn vượt qua chặng đường khó nhọc này.
Chia sẻ với chồng là việc làm cần thiết khi bạn muốn có thai.
Chuẩn bị tinh thần mang thai cũng đồng nghĩa với việc bạn phải xem xét lại công việc hiện tại của bạn như: giờ giấc làm việc có ổn không, nó có làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi không… Nếu công việc quá tải với một người có bầu thì tìm một công việc mới, nhẹ nhàng hơn là việc bạn nên làm vào thời điểm này.
Hãy dừng uống thuốc tránh thai vài tháng trước khi mang thai và áp dụng các biện pháp tránh thai khác. Điều này giúp cơ thể bạn có đủ thời gian để lượng hormone trở về bình thường.
Việc bổ sung vitamin không phải chỉ được thực hiện trong quá trình mang thai và cho con bú mà rất cần thiết trước khi bạn mang thai. Các bác sỹ khuyên các bà mẹ nên uống vitamin từ trước khi mang thai 3-6 tháng. Việc cung cấp đủ vitamin B cho cơ thể sớm trước khi mang thai có thể làm giảm tỉ lệ khuyết tật bẩm sinh ở não và cột sống tới 70%.