Là một trong những cơ sở tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn của thành phố nhưng từ 7-8 năm nay, tại Làng trẻ em SOS Hà Nội không hề có bóng dáng của trẻ sơ sinh.
“Chúng tôi không cho con nuôi”
Được thành lập từ năm 1989, Làng trẻ em SOS Hà Nội là đơn vị trực thuộc Sở LĐTBXH TP Hà Nội có chức năng tiếp nhận, nuôi dưỡng những trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, không người nuôi dưỡng. Làng đã đón hơn 370 trẻ mồ côi, đến nay 174 người con đã trưởng thành, có cuộc sống tự lập, hơn 100 người đã lập gia đình, trong đó khoảng 60 người có trình độ đại học, 2 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. Tuy nhiên, khoảng 7-8 năm trở lại đây, Làng không hề tiếp nhận thêm một trẻ sơ sinh nào. Đứa trẻ sơ sinh cuối cùng được Làng tiếp nhận sinh năm 2002.
Những đứa trẻ trong Trường mầm non dân lập SOS.
Trước thực trạng vẫn còn rất nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi nhưng được đưa về các Trung tâm hoặc vào các chùa, các điểm từ thiện chứ không được đưa vào Làng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Làng SOS Hà Nội thẳng thắn cho biết: “Sở dĩ từ nhiều năm nay, Làng không có thêm trẻ sơ sinh nào vì chúng tôi không có chính sách cho con nuôi. Bất kỳ đứa trẻ nào, khi được tiếp nhận vào Làng, chúng tôi đều cam kết sẽ nuôi dưỡng bé cho đến khi trưởng thành, có nghề nghiệp, thậm chí dựng vợ gả chồng. Sau thời gian nuôi dưỡng tại Làng, nếu gia đình bé có ý định nhận lại bé, chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ và chỉ cho phép gia đình được nhận bé về chứ tuyệt đối không chấp nhận cho bé đi làm con nuôi nơi khác. Có lẽ chính vì lý do không cho trẻ đi làm con nuôi nên nhiều nơi, thậm chí cả bệnh viện, khi có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đã không tìm đến Làng mà đến những địa điểm khác”.
Ông Dũng khẳng định, Làng vẫn luôn sẵn sàng tiếp nhận các trẻ sơ sinh nếu được bàn giao. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế, Làng không thể tiếp nhận các bé bị HIV hoặc bị các bệnh hiểm nghèo khác.
Đợi chờ chế độ bảo hiểm cho các “mẹ”
Tại Làng trẻ SOS Hà Nội hiện có 16 “mẹ” và 7 “dì” đang hàng ngày trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc 160 cháu trong 10 ngôi nhà mang tên 10 loài hoa. Các “dì” là đội ngũ kế tiếp, từng bước hòa nhập để thay thế dần các “mẹ” già yếu, đến tuổi nghỉ hưu. 16 “mẹ” này đều gắn bó với làng từ những ngày đầu mới thành lập, nay đều đã ngấp nghé lục tuần. Mặc dù có xuất thân, quê quán khác nhau nhưng các mẹ đều có chung hoàn cảnh: Không chồng con, yêu thương trẻ và cam kết gắn bó suốt đời với Làng. “Mẹ” Đinh Thị Châu ở nhà Hoa Phong lan cho biết, vào làng từ khi 37 tuổi, đến nay “mẹ” đã bước sang tuổi 58. Hơn 20 năm gắn bó với Làng, đã có 26 đứa trẻ lớn lên từ đôi tay “mẹ”, giờ “mẹ” đã có 8 đứa cháu nội, ngoại. Mỗi dịp Tết đến xuân về, những đứa con trưởng thành, lập gia đình bên ngoài lại đưa con cháu về quây quần đón Tết cùng “mẹ” và các em.
Làng SOS Hà Nội duy trì một môi trường giáo dục rất nghiêm túc và lành mạnh. Đối với trẻ nam, từ 14 tuổi, các em được ở tại khu lưu xá thanh niên, nơi có những thầy giáo giúp các em phát triển tính cách người đàn ông. Còn các em nữ sẽ được chính các mẹ chỉ bảo, truyền dạy những kinh nghiệm của tuổi dạy thì.
Một điều rất đặc biệt ở làng trẻ SOS Hà Nội là cách dựng vợ gả chồng cho các em. Các mẹ ở đây cho biết, khi cùng sống trong một gia đình ở làng SOS, dù không thể ngăn cấm nhưng các mẹ vẫn căn dặn các cháu chỉ nên giữ ở tình cảm anh em, làng xóm, không nên phát triển thành tình yêu. Bởi nếu các cháu tự đến với nhau thì về sau, con của các cháu sẽ một lần nữa lại bị mồ côi. Dù không phải mồ côi cha mẹ nhưng mồ côi ông bà. Có lẽ chính vì thế, các thế hệ thanh niên ở Làng đều ý thức được điều đó, nên đều tìm bạn đời ở bên ngoài. Để trẻ trong Làng hòa nhập với xã hội, Làng SOS đã thành lập trường mầm non dân lập, tiếp nhận 90% trẻ ngoài Làng, đồng thời, Làng vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho các cháu đến tuổi đi học được học tại các trường tiểu học, phổ thông và ĐH khác.
Tuy nhiên, có một vấn đề là 20 năm nay, 16 “mẹ” trong Làng đều chưa được đóng bảo hiểm do chưa tìm được khung BH thích hợp. Làng đã xây dựng xong khu nhà an dưỡng cho các mẹ cao tuổi. Ông Dũng cho biết, các ban ngành cũng đang làm việc để tìm ra hướng xử lý thích hợp nhất, đảm bảo quyền lợi của các “mẹ” khi đến tuổi nghỉ ngơi.