Với tình trạng quá tải ở các trường mầm non công lập như hiện nay, nhiều bậc phụ huynh đành phải “nhắm mắt” gửi con em mình vào các trường tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình. Thực tế này khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát được những vấn đề nảy sinh.
Cơ sở vật chất không đảm bảo
Chúng tôi đến xã Kim Chung, huyện Đông Anh, một trong những xã chiếm tỷ lệ người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp lớn nhất trên toàn huyện. Theo UBND xã Kim Chung, hiện xã chỉ có một trường mầm non công lập dùng chung cho cả thôn và hai nhóm trẻ tư thục ở thôn Bầu và thôn Hậu đáp ứng đủ nhu cầu của người dân địa phương. Có mặt tại một điểm giữ trẻ ở thôn Bầu, xã Kim Chung chúng tôi thấy cơ sở vật chất ở đây rất kém. Trường chỉ là một ngôi nhà cấp 4 lợp ngói
pro-xi măng ẩm thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn thiếu ánh sáng, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Nơi giữ trẻ chia làm ba phòng. Phòng ngoài cùng rộng khoảng 16m2 được kê vài tấm dát giường trên nền đá hoa để cho các cháu ngồi sinh hoạt. Trong phòng không có bất cứ đồ dùng hay vật dụng nào để giúp trẻ vui chơi. Kế bên là phòng ngủ của các cháu, không có gì ngoài vài chiếc chiếu cói trải trên nền đá hoa, la liệt các bé nằm ngủ trong điều kiện tối tăm, ẩm thấp. Hơi lạnh từ nền đá hoa cùng không khí đặc quánh khiến chúng tôi cảm thấy thực sự lo ngại cho sức khỏe của các cháu.
Chị Nguyễn Thị Mai, quê ở Phú Thọ đang sống ở xóm trọ công nhân cho biết: “Người dân sống ở đây chủ yếu là từ các tỉnh khác đến làm công nhân cho các khu công nghiệp. Cả khu này khoảng 40 đứa trẻ từ 1 – 4 tuổi nhưng hầu hết phải gửi tư thục hoặc nhờ người thân lên trông giữ vì không đủ điều kiện gửi vào trường công lập. Để gửi được con vào các trường mẫu giáo công lập cần có hộ khẩu ở đây. Do công ty yêu cầu làm tăng ca quá nhiều trong khi trường công chỉ giữ trẻ đến 16h30 nên cũng gây khó khăn không nhỏ cho nhiều công nhân trong việc đưa đón trẻ“.
Không dám mơ trường công
Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Chung cho biết: “Hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ ngày 1-7 đến 10-7 và công khai số lượng tuyển sinh trên phương tiện thông tin đại chúng để các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi mầm non kịp nộp hồ sơ. Tuy vậy, năm nào trường cũng quá tải vì số lượng các cháu ở độ tuổi mầm non trên địa bàn quá đông trong khi số lớp và giáo viên có hạn. Năm học này, số các cháu ở độ tuổi nhà trẻ là 110 cháu, độ tuổi mẫu giáo là 720 cháu. Năm học 2010-2011, trường đã quyết định không nhận học sinh trái tuyến. Song do tình trạng thiếu trường, lớp nên đến thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục nộp hồ sơ xin nhập học cho các cháu. Trung bình mỗi lớp học hiện nay có từ 40 – 45 cháu nhưng chỉ có 2 cô quản lý. Với sĩ số này, chúng tôi vẫn phải khắc phục dù biết như vậy là không đúng chuẩn…”.
Với nhu cầu gửi con quá lớn của công nhân mà điểm giữ trẻ được cấp phép không đáp ứng hết thì việc mọc lên ngày càng nhiều điểm giữ trẻ tự phát là điều tất yếu. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì những vụ việc bạo hành trẻ em sẽ tái diễn. Có cùng tâm trạng với nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, anh Trần Phương Nam, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên ngậm ngùi: “Chúng tôi đi làm cả ngày, tối mịt với về chỉ hy vọng con mình được người trông trẻ thương yêu và đối xử tử tế. Khu trọ công nhân, phương tiện giải trí còn chưa có, lấy đâu nghĩ đến sân chơi và lớp học ra hồn cho con trẻ… Để những người lao động như chúng tôi yên tâm làm việc và cống hiến cho xã hội, các cơ quan chức năng và các nhà quản lý nên đầu tư và quan tâm hơn đến việc xây dựng thêm trường, lớp, nơi vui chơi cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những khu công nghiệp”…