Mang thai hộ đang là một dịch vụ đắt hàng tại Ấn Độ. Những người phụ nữ được trả tiền để mang thai hộ cho những cặp vợ chồng không thể tự làm việc này vì lý do sức khỏe hoặc tuổi tác.
Những cặp vợ chồng vô sinh và người sống độc thân, đặc biệt từ Mỹ, châu Âu và một số nước Đông Nam Á đang tìm đến Ấn Độ với hy vọng được trở thành cha mẹ.
Một bào phôi (thụ tinh trứng và tinh trùng của một cặp vợ chồng) sẽ được bơm vào tử cung của người mẹ nhận mang thai hộ bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Theo Tân hoa xã, chị Mahua Dutta, 33 tuổi, ở Delhi là một trường hợp như thế. Chị đang mang thai hộ cho một người đàn ông Pháp. Cái thai đã được hơn 2 tháng và bắt đầu thành hình hài. Trong trường hợp này, người sắp lên chức bố là một người đàn ông độc thân. Các bác sĩ đã lấy tinh trùng của ông đem thụ tinh với trứng được hiến tặng thành phôi, rồi cấy vào tử cung của Dutta.
Với công việc này, chị sẽ nhận được tối thiểu 350.000 ru-pi (7.000 USD). Nhưng Dutta cho biết, chị làm việc này không phải vì tiền. Chị đã có một cậu con trai 9 tuổi và việc mang thai hộ chỉ vì thích. Chồng của chị làm việc cho một công ty về công nghệ thông tin và hiện đi Mỹ công tác đã nói thẳng với chị rằng họ không cần có thêm một đứa con nữa vì chi phí cuộc sống ngày càng đắt đỏ tại thành phố.
“Tuy nhiên, sự thôi thúc muốn được làm mẹ vẫn lớn lên mạnh mẽ trong tôi, đặc biệt khi tôi biết mình có thể mang thai lại sau khi mổ u xơ tử cung. Trở thành bà mẹ mang thai hộ khiến tôi có cảm giác mình được hồi sinh. Tôi đang mang hạnh phúc đến cho một ai đó”, Dutta nói.
Còn với chị Preeti Singh, 30 tuổi (tên đã được thay đổi), ở Uttar Pradesh, mang thai hộ lại là một giải pháp để bớt nghèo. Chị đã nhận mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Anh vào tháng 9 năm ngoái. Và hiện chị đang nghĩ đến việc mang thai hộ một lần nữa để giảm bớt gánh nặng tài chính và đảm bảo cho tương lai 2 đứa con của mình.
“Chồng tôi là một lái xe và chỉ kiếm được mỗi tháng 2.500 ru-pi (50 USD). Với số tiền đó, thật khó để có thể lo ngày 2 bữa ăn cho cả gia đình”, chị Singh tâm sự.
Trong khi đó, với lần mang thai hộ, chị đã kiếm được một khoản tiền khá và không cần phải lo chạy từng bữa ăn, thậm chí gia đình chị còn xây thêm 2 phòng nhỏ, mua một chiếc xe đạp và có tiền tiết kiệm trong ngân hàng.
Với chị, kiếm được 350.000 ru-pi trong 9 tháng là một khoản tiền lớn mà chị khó có thể kiếm được trong suốt cả cuộc đời.
Nhưng với một số người đến từ Mỹ hoặc Anh, đây là một khoản tiền nhỏ so với chi phí họ sẽ phải trả khi nhờ người mang thai hộ trên nước mình. “Chi phí cho dịch vụ mang thai hộ tại Mỹ là khoảng 80.000 USD trong khi tại Ấn Độ chỉ có 18.000 USD”, tiến sĩ Anoop Gupta, thuộc Trung tâm nghiên cứu thụ tinh nhân tạo Delhi cho biết.
Ngoài ra, tìm đến dịch vụ này còn có những phụ nữ vì không có thời gian hoặc đơn giản không muốn trải qua những thay đổi tâm sinh lý thường kèm theo khi mang thai nhưng lại thực sự muốn có con. Những phụ nữ và nam giới độc thân cũng coi dịch vụ này là cách tốt nhất để có đứa con của chính mình với tinh trùng hoặc trứng được hiến.
Mang thai hộ đang phát triển thành một nghề ngắn hạn tại Ấn Độ vì không một phụ nữ nào có mang thai hộ hơn 3 lần trong suốt cả cuộc đời. Tuổi đời của chị em phải không quá 45 tuổi và không mắc bệnh di truyền như thiếu máu hay bệnh hiểm nghèo như HIV, AIDS…