Thời tiết lạnh ẩm, mưa phùn là nguyên nhân chính khiến số trẻ em nhập viện tăng đột biến. Các bác sĩ chuyên khoa đưa ra những lời khuyên chống lại những căn bệnh “cơ hội” do thời tiết.
Bác sĩ Bùi Thu Hương – Phụ trách khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết càng lạnh sẽ là cơ hội để vi-rút phát tán và lây lan mạnh hơn, trong đó có bệnh tiêu chảy. Đáng lo ngại là điều trị tiêu chảy do Rotavirus không được phép dùng thuốc kháng sinh, nhưng tình trạng người lớn tự mua thuốc kháng sinh cho con uống khi trẻ bị tiêu chảy cấp đang khá phổ biến.
Theo bác sĩ, một số bệnh thường gặp thời điểm này của trẻ là viêm phế quản, sốt virus, viêm họng, tiêu chảy cấp. Người cao tuổi dễ mắc các bệnh tim mạch (bao gồm tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành…), bệnh tiểu đường và bệnh xương khớp. |
Thuốc kháng sinh dùng trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp gây những tác dụng phụ như làm nặng thêm bệnh lý đang mắc hoặc trẻ bị dị ứng kháng sinh, ngộ độc thuốc…
Bác sĩ Hương khuyến cáo cha mẹ cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi bệnh viện khi thấy trẻ khát nước, nôn nhiều lần, đái ít, không ăn uống được, sốt cao, da khô, vẻ mặt hốc hác, môi khô, hơi thở hôi, số lần đi ngoài tăng lên, phân nhiều nước hơn, hoặc có máu trong phân…
Cha mẹ cần phải chú ý giữ vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín, uống sôi. Khi trẻ bị tiêu chảy, quan trọng nhất là sử dụng dung dịch bù nước và điện giải (oresol). Những trẻ đã mắc bệnh, phải được cách ly tại cơ sở y tế.
Biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh là cho trẻ uống vắc-xin phòng Rotavirus nhưng cần cho trẻ uống sớm để tạo hệ miễn dịch cho trẻ.
Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cho trẻ. Không nên ăn kiêng và cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục
Một bệnh khác, nhiều trẻ dễ mắc trong thời điểm này là nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn phế cầu. Khoảng 60% trẻ em mắc bệnh đường hô hấp mang vi khuẩn này. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhi mắc bệnh được đưa đến bệnh viện khi đã khá nặng do cha mẹ chủ quan.
Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vi khuẩn phế cầu có thể lây truyền từ người sang người qua đường không khí, khi hắt hơi, ho.
Tuyệt đối không chườm lạnh cho trẻ để hạ sốt. Khi chườm lạnh, mạch ngoài vi của cơ thể giãn ra để toả nhiệt, gặp lạnh sẽ dồn mạch ngoại vi lại, nhiệt độ cơ thể càng tăng lên, trẻ sốt cao hơn. Tốt nhất là chườm ấm cho trẻ vào nách, cổ, bẹn để hạ nhiệt. Nếu trẻ sốt cao, li bì, khó thở thì cần đưa đến bệnh viện ngay.
Đối với các bệnh viêm phế quản, viêm họng, sốt virus, để phòng bệnh có hiệu quả, các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ đến hai tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá, mầm bệnh.
Khi ra đường nên giữ ấm và bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi cho trẻ sau khi đi chơi về.
Đặc biệt, cha mẹ nên để ý tránh để trẻ mặc quá nhiều áo rồi toát mồ hôi khi chạy nhảy, sẽ dễ bị nhiễm lạnh.
Ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, cần cho trẻ mặc đủ ấm khi ngủ, đề phòng trẻ đạp chăn ra ngoài. Không nên để trẻ ngủ trong phòng quá kín gió, không thoát không khí.
Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt chú ý, nếu có những biểu hiện bệnh như: sốt, ho, khó thở cần đưa ngay đến các chuyên khoa hô hấp, để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, thời gian sắp tới, thời tiết chuyển mùa từ đông sang xuân nên các bệnh liên quan đến dị ứng, hen ở trẻ chắc chắn sẽ tăng mạnh. Do đó, các bà mẹ cần phải chú ý giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho trẻ. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các loại vật nuôi như chó mèo…