Trầm cảm trong thời kỳ thai nghén nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ lẫn con. Dưới đây là những điều cần biết về trầm cảm khi mang thai, chứng bệnh đến nay vẫn bị nhiều người coi nhẹ.
Những muộn phiền có thật
Khỏi phải nói là Shannon đã mừng vui thế nào khi biết mình đã mang thai sau ba năm chiến đấu với vô sinh. Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi cô mệt mỏi đến mức gần như chỉ nằm bẹp một chỗ, không ăn được, ngủ cũng chập chờn. Sau ba tháng Shannon sút mất ba ký. Cô thậm chí ước giá như mình đừng có bầu! “Tôi không còn nhận ra mình nữa”, Shannon kể. “Tôi nói với chồng rằng tôi không thiết có con nữa. Anh ấy cũng bối rối. Còn tôi thì cứ khóc suốt. Sau bao nhiêu cố gắng để có thai, điều này quả là cú sốc với tôi”.
Tôi mất niềm tin vào bác sĩ bởi ông ta cũng chẳng giúp được gì. “Khi được 10 tuần, tôi nói với bác sĩ rằng tôi cảm thấy rất lo lắng với những gì đang diễn ra, nhưng ông ấy vân cho rằng tôi ổn”, cô kể. Phải chờ đến tuần thứ 14 Shannon mới thấy đỡ hơn, nhưng cô vẫn dằn vặt vì cảm thấy mình thật tệ khi gần như đã ghét bỏ đứa con trong bụng. Mãi đến lúc sinh nở xong, Shannon mới thật sự thanh thản.
Câu chuyện kiểu Shannon không phải là hiếm. “Thực ra, chứng trầm cảm này là một trong những rắc rối phổ biến nhất khi mang thai, và nó là nhân tố rủi ro số một dẫn đến trầm cảm sau khi sinh”, tiến sĩ y khoa Kulkarni Misri, tác giả cuốn Những phiền muộn khi mang bầu, nói. Theo nghiên cứu của Trung tâm Trầm cảm Michigan thì có ít nhất 10% phụ nữ mang bầu bị chứng phiền muộn trong lúc mang thai và nhiều người trong số đó sẽ tiếp tục trầm cảm sau sinh, nhưng có đến 2/3 bệnh nhân không được chữa trị.
Đừng xem nhẹ triệu chứng
Tương tự như trầm cảm sau sinh, những phụ nữ bị trầm cảm khi mang bầu thường có các biểu hiện như: khóc lóc, mất ngủ, cơ thể suy nhược, tinh thần trì trệ, khẩu vị thay đổi, hay bị ám ảnh, cảm thấy lo âu, tuyệt vọng, hết hứng thú với đứa con trong bụng. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mang thai hoặc là “điếc không sợ súng” hoặc là không dám bộc bạch. Đơn giản là họ sợ bị chê cười, chỉ trích bởi đa số vẫn quan niệm rằng việc mang thai sẽ đem lại cho người phụ nữ niềm vui được làm mẹ nên nếu họ phiền muộn thì họ hoặc là “làm trò”, hoặc là vô liêm sỉ.
Trong khi đó y tế cộng đồng ngay ở một đất nước phát triển như Hoa Kỳ cũng chưa quan tâm đúng mức đến tình trạng trầm cảm ở phụ nữ có mang. Họ chỉ chú trọng đến việc bà bầu và thai nhi có khoẻ mạnh về thể chất hay không mà bỏ qua việc trầm cảm có ảnh hưởng lên sức khoẻ tổng thể của thai phụ. “Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân thường bỏ qua những triệu chứng của trầm cảm. Những hậu quả về tâm lý chỉ được chú ý khi chúng trở nên nghiêm trọng”, tiến sĩ Misri nói.
Nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con
Giấu stress trong lòng hay chạy trốn nó đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Những thai phụ trầm cảm không được chăm sóc đúng mức có thể “cậy nhờ” đến rượu, thuốc lá, ma tuý, cá biệt, họ có thể bỏ thai hoặc tự vẫn, tiến sĩ tâm lý Diana lynn Barnes cho hay.
1/3 phụ nữ bị chẩn đoán là trầm cảm sau khi sinh đã từng mắc stress thời mang bầu. Một người đã khổ sở suốt thời kỳ mang thai do trầm cảm mà không biết, chị Centimano ở Kansans nhớ lại: “Tôi đã khóc mỗi lần đi khám thai. Còn bác sĩ bảo rằng đó là do hoóc môn thay đổi. Nhưng tình trạng càng tồi tệ hơn sau khi tôi sinh con. Suốt bảy tuần đầu tôi suy sụp đến mức không thể chăm sóc con gái cũng như bản thân”. Sáu năm sau, Centimano nói rằng chị nhớ rất ít về những tháng đầu đời của con mình. “Cuối cùng phải điều trị bằng thuốc tôi mới qua khỏi”, Centimano nói.
Các chuyên gia tin rằng có thể tránh được trầm cảm sau sinh nếu những triệu chứng trầm cảm trước khi sinh được quan tâm điều trị. Và khi đó sức khoẻ thể chất và tinh thần của người mẹ mới không bị đe doạ. Các nghiên cứu cũng cảnh báo tình trạng trầm cảm của mẹ với sự gia tăng của hoóc môn stress sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ trong bụng và làm gia tăng nguy cơ sinh con. Ngoài ra, trẻ được sinh ra bởi một bà mẹ muộn phiền cũng có nguy cơ bị “lây” chứng bất an sau khi ra đời. Trầm cảm khi mang thai còn làm ảnh hưởng đến mối gắn kết mẹ – con, là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về ứng xử của đứa trẻ thời thơ ấu.
Bạn có nguy cơ?
Bản thân việc mang thai có thể không là thủ phạm gây trầm cảm, nhưng có thể là động lực thúc đẩy khuynh hướng này. Dễ “dính đòn” nhất là những phụ nữ đang có vấn đề trong cuộc sống riêng hoặc đã từng bị stress. Một người vợ đơn thân, một phụ nữ có thai ngoài ý muốn, người đã trải qua nhiều đợt điều trị vô sinh hay từng gặp rắc rối về sinh nở (như sảy thai, chửa ngoài dạ con…) là đối tượng có nhiều nguy cơ. Cũng cần nói thêm rằng hoóc môn đóng vai trò khá quan trọng ở đây – tình trạng trầm cảm thường “trội” hơn trong thai kỳ thứ nhất và thứ ba, khi hoóc môn tăng cao. Ingram ở Pennsylvania kể rằng trước đây cô từng bị stress và đến khi mang thai đứa con thứ hai, nhất là ba tháng đầu, cô lại rơi vào tình cảnh ấy. Cô cảm thấy người cứ mệt lả đi và mất hứng thú với mọi thứ, kể cả đứa con đầu lòng đang tuổi chập chững. “Suốt ngày tôi chỉ muốn ngủ. Tôi cáu gắt với mọi người và chẳng quan tâm gì đến đứa con gái nhỏ. Tôi cũng không thiết tha gì với đứa con trong bụng”, Ingram nói. Cũng may là chồng Ingram nhận thấy sự bất thường của vợ, luôn an ủi cô và đã đưa cô đến gặp bác sĩ tâm lý. Nhờ vậy, cô đã trở lại bình thường trước khi sinh một tháng.
Cần được điều trị
Do hầu hết phụ nữ đều bị mệt mỏi, trái tính khi mang bầu nên họ cũng khó mà biết mình có bị trầm cảm hay không. Nhưng nếu các triệu chứng nói trên diễn ra ít nhất hai tuần, gây phiền toái cho bạn thì bạn nên đến gặp bác sĩ, và nếu vị bác sĩ nào phán rằng “chỉ tại hoóc môn” thì bạn hãy tìm đến một bác sĩ khác biết quan tâm hơn. Họ sẽ khám cho bạn và loại trừ các vấn đề khác về sức khoẻ rồi hướng dẫn bạn đến gặp một bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Nếu chỉ là những triệu chứng nhẹ, bạn có thể được hướng dẫn để tự điều chỉnh. Nhưng trong những trường hộp nghiêm trọng thì bạn phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nghe đến thuốc, bạn ái ngại? Nhưng thực ra có những loại thuốc hoàn toàn an toàn với phụ nữ mang thai và những ảnh hưởng của nó là nhỏ hơn rất nhiều so với việc bạn bị trầm cảm.
Tuyet đã bình luận
Dear,
Em đang co kế hoạch co em bé tháng 2 này , nhưng khi em xem qua mục trầm cảm khi co bầu làm em lo lắng, em rất thường xuyên khó ngũ và trước đây em đã sử dụng thuốc chống trầm cảm( fluoxetine_ proctine)
Vì vậy không biết em nên có em bé hay không vì em sợ ảnh hưởng không tốt cho bé. Hiện tại em vẫn thường xuyên khó ngủ phải dùng thuốc (Ozapine)
Xin bác sỷ cho em một lời khuyên chân thành là em nên co em bé trong lúc này không?
Xin chân thành cảm ơn rất nhiều.
Tuyết
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn dùng thuốc theo đơn BS hay do thói quen? Không nên có thai khi bạn vẫn đang dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ. Bạn nên dùng phương pháp đông y, xoa bóp, tâp luyện thể dục, đi bộ buổi tối để có giấc ngủ tốt. Chúc bạn may mắn.