Dù khóc là dấu hiệu thường xuyên ở bé nhưng bạn cần nhớ rằng, luôn có một lý do nào đó khi bé khóc.
Để tìm câu trả lời, mời bạn tham khảo 8 lý do bé khóc phổ biến và cách khắc phục, từ Parents:
1. ‘Xin mẹ cởi bớt áo len ra’
Trời trở lạnh không có nghĩa là bé cần mặc tầng tầng, lớp lớp. Cha mẹ có xu hướng mặc quá nhiều cho bé nhưng bé sẽ cau có nếu bị nóng và đổ mồ hôi – giống như người lớn.
Khắc phục: Mặc cho bé với số lượng áo tương tự như bạn đang mặc. Nếu bạn không chắc liệu bé quá nóng (hay quá lạnh), hãy đặt tay lên lưng (hoặc bụng) của bé để đo thân nhiệt. Sờ vào chân (hoặc má) của bé thường có cảm giác lạnh hơn.
2. Bố mẹ đừng cãi nhau nữa’
Tất nhiên, bé chưa thể hiểu những câu như: “Tôi không tin anh về muộn vì tắc đường” hoặc: “Anh không biết tự đổ rác à?” nhưng bé có thể cảm nhận khi cha mẹ đang “khẩu chiến”. Nếu có căng thẳng hay la hét, bé sẽ khó chịu và bắt đầu quấy khóc.
Khắc phục: Xung đột vợ chồng nhiều khi rất khó tránh (nhất là trong việc chăm con). Nhưng bạn nên giữ bình tĩnh và tạo không khí gia đình nhẹ nhàng cho con. Nếu cần thảo luận gay gắt, nhớ cách ly với bé.
3. ‘Con rất stress’
Quá nhiều tiếng ồn, ánh sáng (ở các trung tâm mua sắm, quán cafe đông người) có thể làm bé gào khóc.
Khắc phục: Mỗi bé đều chịu đựng được một môi trường khác nhau, vì thế, hãy chú ý đến thái độ của bé. Đừng ở lâu trong một cửa hàng, quán ăn và giảm tiếng ồn của đồ chơi. Ngoài ra, nên cho bé ở nơi yên tĩnh sau một chuyến đi chơi để bé cân bằng tinh thần.
4. ‘Bụng của con đang đau’
Có nhiều lý do chưa sáng tỏ về cảm giác khó chịu ở bụng của bé. Có thể do bé bị đầy hơi, táo bón hoặc dị ứng với sữa…
Khắc phục: Trước tiên, hãy thử vỗ ợ hơi cho bé thường xuyên. Bạn cũng có thể giảm đầy hơi cho bé bằng cách massage bụng hoặc luyện tập đôi chân cho bé như cách đi xe đạp.
Nếu bé bú mẹ, nên cho bé bú cạn một bên ngực mẹ mới chuyển sang bên kia (sữa đầu có lượng lactose cao hơn sữa sau, dễ gây đầy bụng). Nếu bé bú bình, nên chọn núm vú cao su chảy chậm hơn để bé không nuốt phải nhiều không khí.
Nếu vẫn chưa hiệu quả, nên hỏi bác sĩ xem liệu con bạn có bị dị ứng sữa không.
5. ‘Con bị chèn ép’
Em bé của bạn có thể khóc vì một sợi tóc hay một ít nước dính quanh ngón chân, gây khó chịu hoặc đau đớn. Hoặc bé khóc vì bị kẹp dây đai xe đẩy…
Khắc phục: Hãy cẩn thận kiểm tra các ngón tay, ngón chân cho bé. Nếu bạn tìm thấy một sợi tóc quấn vào ngón chân bé, hãy nhẹ nhàng gỡ bỏ nó. Nên nhớ rằng, một sợi tóc cũng có thể quấn vào “chim” của bé. Ngoài ra, nên kiểm tra, khóa kéo hoặc dây địu, dây xe đẩy… để chắc chắn rằng, chúng không quá chặt.
6. ‘Con đang cô đơn’
Từ 6 đến 9 tháng tuổi, bé học được rằng, bé là cá thể riêng biệt với mẹ. Nhưng bé có thể khóc ngay khi thấy mẹ rời khỏi phòng.
Khắc phục: Hãy cho bé vui chơi bên cạnh khi bạn đang phơi hoặc gập quần áo. Nhưng nếu bé vẫn khóc, hãy tạm ngừng việc và vui chơi cùng con. Đôi khi, chỉ cần bạn quay lại, mỉm cười hoặc ôm ấp, bé sẽ nín khóc ngay. Những cái vỗ nhẹ nhàng vào lưng cũng giúp trấn tĩnh bé, nhắc bé rằng bạn rời xa rồi cũng sẽ quay lại.
7. ‘Con sắp chết đói rồi đây’
Em bé của bạn có thể vừa ăn một tiếng đồng hồ trước nhưng bây giờ, bé lại đang khóc vì: “Con muốn ăn nữa”. Điều này thường xảy ra vào thời điểm 2-6 tuần tuổi; 3-6 tháng và kéo dài một vài ngày. Tuy nhiên, cảm giác háu đói cũng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào.
Khắc phục: Kiểm tra xem liệu bé có thực sự đói? Bài kiểm tra tốt nhất là đặt bé trong xe đẩy. Nếu bé bình tĩnh hoặc ngủ nhanh chóng thì bé không cần thức ăn. Nhưng nếu bé gào khóc phản đối thì hãy cho bé “ti mẹ” hoặc bú bình. Đừng lo lắng vì chẳng có bé nào mắc bệnh vì bú mẹ nhiều quá cả.
8. ‘Cảnh quan xung quanh buồn tẻ quá’
Hàng tiếng đồng hồ ở trên một chiếc ghế, cùng một góc phòng khiến bé không tìm thấy niềm vui. Mặc dù một số bé hiền hơn những bé khác (có thể ở lâu một chỗ) nhưng phần lớn các bé đều thích thay đổi khung cảnh liên tục.
Khắc phục: Hãy đưa bé di chuyển sang những phòng khác, đến công viên hoặc ngồi xe đẩy và đẩy ra ngoài. Nếu bạn không có thời gian, đơn giản chỉ cần nói chuyện với bé là giúp xóa tan buồn tẻ.
Em bé của bạn rất thích tương tác xã hội. Bé thích nhìn xung quanh, lắng nghe và học hỏi từ mẹ.