Đánh giá tâm lý lứa tuổi trẻ em với truyền hình, ThS. Trần Ban Hùng, cán bộ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, thẳng thắn: “Khung thời gian xem truyền hình của các em thường là khi dùng cơm với gia đình. Đây là một thói quen nguy hại”.
Theo ThS. Trần Ban Hùng, trẻ em trở thành những người “bất đắc dĩ” xem truyền hình vào lúc ăn cơm và dần trở thành thói quen lâu dài của các em. Hậu quả là các em có thể bị ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, mất cảm giác ngon miệng và thiếu tập trung.
Ngoài ra, các em còn xem truyền hình trong khoảng thời gian từ 8-10h đêm sau giờ học thêm và làm bài. Trong khung giờ này thì chương trình chủ yếu là dành cho người lớn nên các yếu tố tình cảm, bạo lực, tình dục có thể tác động vào trí óc của các em. “Điều đáng nói là người lớn thường không quản lý các yếu tố này”, ThS. Trần Ban Hùng nhấn mạnh.
Theo ThS. Hùng, trẻ từ 0-2 tuổi không nên cho trẻ xem truyền hình mà chủ yếu cho trẻ tiếp xúc với cha mẹ, người thân để có cảm giác gần gũi, tập nói, tập đi… Ông Hùng cho biết: “Trẻ từ 2 tuổi trở lên thì mới bắt đầu cho xem truyền hình. Ở mỗi lứa tuổi thì cho trẻ xem những chương trình có nội dung phù hợp với tâm lý của trẻ, chủ yếu thiên về giáo dục, hình thành các kỹ năng sống sau này của trẻ”.