Mỗi khi nói đến niềm tin người ta thường nghĩ đến tôn giáo, thương trường hay tình yêu, tình bạn… Ít ai nghĩ rằng, trong giáo dục con cái, dạy con bằng niềm tin cũng là phương cách giáo dục rất hữu ích. Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh giáo dục con cái bằng cách này đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Tin là thừa nhận sự “trưởng thành”
Hẳn chúng ta còn nhớ kỷ niệm về những ngày tập chạy xe đạp? Khi con cầm tay lái, chân đặt vào pê-đan tập đạp thì phía sau là cánh tay bố giữ thăng bằng. Khi con bắt đầu quen dần với những vòng xoay, thỉnh thoảng bố buông tay để con “tự chủ”. Như vậy, có thể nói, chính nhờ niềm tin của bố vào khả năng cầm lái của con mới giúp đứa con biết lái xe.
Tấn Quỳnh (Bình Thuận) nhớ về kỷ niệm Tết năm anh học lớp 8. Trước Tết vài ngày, bố giao cho anh nhiệm vụ quan trọng: “Con đại diện cho gia đình đến chúc Tết ông bà, chú bác. Bố tin con sẽ làm được”. Anh giãi bày: “Nghe xong “lệnh truyền” đó, tôi lo lắng “soạn” lời chúc và học thuộc lòng. Lo thì ít nhưng trên hết là cảm giác mừng vui vì nghĩ rằng bố đã công nhận mình là “người lớn” rồi. Sau Tết năm đó, tôi cảm thấy mình tự tin hơn rất nhiều khi đứng trước đám đông. Học lực của tôi từ đó cũng được cải thiện”.
Tốt nghiệp phổ thông, Đức Hoài (Lâm Đồng) đứng trước hai lựa chọn: hoặc thi vào đại học Y khoa (như ý muốn của bố anh) hoặc đi du học. Nhưng Hoài lại làm mọi người bất ngờ khi chọn đi theo con đường âm nhạc. Bố anh vào cuộc: “Con hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn. Tương lai của con do con quyết định. Bố tin con”. Chính câu nói của bố đã truyền thêm lửa cho quyết tâm của anh. Sau một thời gian ngắn “tầm sư học đạo”, đến nay anh đã là một DJ có hạng tại TP.HCM.
Tin để giúp con từ bỏ tật xấu
Kim Chi hiện là giáo viên dạy môn giáo dục công dân tại một trường ngoại thành TP.HCM. Các thế hệ học sinh vẫn thường được nghe cô kể về kỷ niệm tuổi thơ của cô: “Năm lớp 3, tôi đã từng một lần lấy cắp tiền của mẹ để ăn hàng. Phát hiện bị mất tiền, mẹ tôi la toáng và lục tìm khắp nơi. Nhìn biểu hiện khác thường của tôi, mẹ dồn mọi nghi vấn về tôi. Sau đó, bố tôi đã “cứu bồ” cho tôi: “Anh nghĩ là em để đâu đó chứ anh tin chắc con gái mình không lấy cắp tiền của em đâu”. Câu nói đó của bố đã giải nguy cho tôi. Từ đó, tôi hứa với lòng sẽ không bao giờ để chuyện đó tái diễn nữa”.
Do học đòi theo bạn bè nên từ năm lớp 8, Hoài Hữu (Đắk Lắk) đã biết hút thuốc lá. Lúc đầu, ông Xuân Lĩnh – bố anh đe nẹt, đánh đòn nhưng anh vẫn tiếp tục hút. Sau đó, anh đánh cuộc với ông nếu ông bỏ thuốc thì anh cũng sẽ làm như vậy. Có lẽ chúng ta thừa biết một ông già miền quê bao năm quen thuộc với thuốc lào nay bỏ thuốc khó nhường nào. Vậy mà ông đã làm được. Sau khi bỏ được thuốc, ông nói với anh: “Bố đã quen với chiếc điếu cày này trên 20 năm nay nhưng nay bố đã quyết tâm bỏ được. Bố tin con cũng sẽ làm được như vậy”. Tấm gương và lời nói của bố đã giúp anh thực hiện được cam kết.
Tin để động viên, khích lệ
Trong cuộc sống hằng ngày, khi phụ huynh nói “bố/mẹ tin con…” đó là cách để bố mẹ động viên, chắp cánh cho những nỗ lực, những quyết tâm và cả những ước mơ của con sẽ thành hiện thực.
Mỗi lần tâm sự với các bạn trẻ, Mai Kha – giám đốc nhân sự của một công ty nước ngoài thường hay kể về kỷ niệm thời học sinh. Năm lớp 8, gia đình anh chuyển từ Nha Trang vào định cư ở TP.HCM. Là học sinh khá giỏi nhưng khi vào thành phố anh vẫn cảm thấy “đuối”. Chính vì thế, những ngày đầu tiên theo học ở ngôi trường mới, anh chỉ muốn nghỉ học. Đoán biết tâm trạng của anh, mẹ anh (là một giáo viên) động viên: “Mẹ biết rõ khả năng học, sự cần cù của con. Mẹ tin rằng chỉ cần một học kỳ con sẽ bắt nhịp được. Năm sau (lớp 9) con sẽ nằm trong nhóm đầu lớp”. Lời động viên đó đã kích thích anh. Với khả năng vốn có, anh đã chứng tỏ khả năng của mình: chỉ sau một thời gian anh luôn là một trong ba học sinh có điểm số cao nhất lớp. Sau đó, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, anh là thủ khoa. Tốt nghiệp loại giỏi nên được nhiều công ty, tập đoàn lớn mời gọi.
Đan Trinh từng đoạt giải nhất một cuộc thi chạy giải Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Cô còn nhớ cảm giác hồi hộp trước cuộc đua. Chính lúc đó, bà ngoại của cô xuất hiện, động viên: “Trinh ơi, cháu đừng quá hồi hộp vì bà biết rằng cháu sẽ là người giỏi nhất trong cuộc thi”. Sau khi nghe lời động viên đó, Đan Trinh đã cố gắng hết mình, không ngờ là cô lại “rinh” được giải nhất!
Cũng cần lưu ý rằng: không phải khi phụ huynh nói “bố/mẹ tin con…” là mọi việc sẽ trở thành hiện thực. Câu nói này, cảm giác này phải xuất phát từ việc hiểu rõ tâm tư, khả năng của con cái. Có như thế niềm tin của phụ huynh mới là định hướng, là động lực giúp con cái phát triển.