Những ngày qua, nhiều giường bệnh của khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Xanh Pôn, Bạch Mai, Thanh Nhàn… trẻ em mắc tiêu chảy do virus Rota phải nằm ghép 4-5 bệnh nhi /giường. Số trẻ tiêu chảy nhập viện gia tăng đột biến.
Dễ dẫn đến tử vong
Theo ghi nhận của PV, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày có 30-50 bệnh nhân mắc tiêu chảy vào điều trị. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày cao điểm lên tới 100 bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo: Cứ 2 trẻ bị tiêu chảy cấp nhập viện thì có 1 trường hợp là do nhiễm virus Rota. Virus này lây truyền rất dễ dàng, hầu hết trẻ nhỏ đều bị nhiễm trước 5 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ từ 3 – 24 tháng tuổi. Trẻ ở độ tuổi này hệ miễn dịch và cơ quan tiêu hoá của trẻ còn non yếu, nên không có sức đề kháng.
TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Biểu hiện của tiêu chảy do virus Rota là sẽ tiêu chảy liên tục 3-5 ngày, tiêu chảy phân toàn nước 12-15lần/ngày. Thời tiết lạnh, virus Rota phát triển mạnh, trẻ sức đề kháng yếu dễ bị virus này “tấn công”, làm mất khả năng miễn dịch. Sau khi nhiễm virus Rota khoảng 6 – 12h, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, nôn dữ dội có thể đến 15 lần /ngày. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: Khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc. Khi thấy trẻ có các biểu hiện trên lập tức phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay”.
Lây lan nhanh
TS. Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo: “Tiêu chảy cấp do virus Rota dễ lây lan vì lượng virus này thải ra trong phân rất lớn, hơn nữa virus Rota lại sống được trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da… Nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác. Cần phải tách và chăm sóc riêng các trẻ bệnh để tránh lây lan ra trẻ khuẩn khác và người chăm sóc”.
Chị Lê Thân (Gia Bình, Bắc Ninh) có con đang điều trị tại Bệnh viên Bạch Mai phàn nàn: “Con gái tôi 8 tuổi, nhập viện trong tình trạng viêm cầu thận. Thế nhưng do khoa Nhi của bệnh viện quá đông nên phải nằm ghép với bệnh nhân tiêu chảy. Điều trị bệnh thận được 5 ngày thì cháu đã bị lây bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota. Đúng là chẳng khổ nào bằng. Chưa chữa khỏi bệnh này đã rước thêm bệnh khác. Đến nay cháu cũng đã nằm viện ngót một tháng”.
Virus Rota không thể chỉ đơn thuần phòng được bằng các biện pháp vệ sinh tiệt trừ thông thường đối với vi khuẩn và siêu vi khác như bú mẹ, cung cấp nước sạch, cải thiện vệ sinh môi trường. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em để phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota. Do bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ, nên trẻ cần được cho tiêm chủng phòng ngừa càng sớm càng tốt, đặc biệt là cần thiết với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Theo GS.TS. Nguyễn Gia Khánh – Trưởng khoa Tiêu hoá – Bệnh viện Nhi Trung ương: “Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài (chứ không có tác dụng tiêu diệt vi -rút – nguyên nhân gây nên tiêu chảy. Nếu dùng mà trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, thì phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống vắc -xin phòng ngừa virus Rota. Trẻ được uống 2 liều cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần lễ thứ 6 sau khi sinh (tuổi lớn nhất còn có thể uống được vắc -xin phòng virus Rota là 3 tháng tuổi, tuổi kết thúc uống là 4 tháng tuổi). Các bậc phụ huynh không nên xem nhẹ tiêu chảy do vius Rota, cần đưa con đến viện sớm tránh những hậu quả đáng tiếc”.