Ngày 22/12, tại Hội thảo “Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh – sơ sinh” do Bệnh Viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh tổ chức, Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng khám thai Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Dị tật bẩm sinh tại Việt Nam chiếm khoảng 3% số trẻ được sinh ra. Trong 5.314 thai phụ được khám tiền sản tại khoa “chẩn đoán trước sinh” Bệnh viện Từ Dũ năm 2009, đã phát hiện 2.313 trường hợp có dị tật bẩm sinh và 599 trường hợp thai bệnh lý, trong đó có nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh nặng phải chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, hầu hết các dị tật bẩm sinh đều có thể chẩn đoán trong thời gian mang thai và thậm chí ngay trong 3 tháng đầu thai kỳ. Qua siêu âm có thể phát hiện nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh nặng như: thai không sọ, não úng thủy nặng, thoát vị não… các trường hợp này thường được phát hiện ở bà mẹ đang mang thai ở tuần thứ 26. Ngoài ra, chẩn đoán trước sinh còn có thể phát hiện các dị tật khác như hở thành bụng, hội chứng Down, cột sống biến dạng, các dị tật tim bẩm sinh…Với nhiều dị tật bẩm sinh nếu không được phát hiện sớm, trẻ sinh ra sẽ không có tương lai vì suốt đời phải gắn liền với bệnh tật, đem lại nỗi đau và thiệt thòi cho trẻ, gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Việc chẩn đoán trước sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh để từ đó tư vấn cho các bà mẹ chủ động xử trí tránh rơi vào tình trạng đau đớn khi sinh ra những đứa con bị dị tật hoặc có thể giúp cho các cặp vợ chồng chuẩn bị tâm lý tốt hơn đối với những khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh có thể phẫu thuật chỉnh sửa được ngay sau sinh như sứt môi, chẻ vòm…Theo các chuyên gia sản khoa, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò của việc chẩn đoán trước sinh; cách phòng tránh các nguy cơ bị dị tật; mở rộng và phát triển các dịch vụ tầm soát chẩn đoán trước sinh để các bà mẹ mang thai được tiếp cận với dịch vụ dự phòng và chẩn đoán trước sinh nhằm góp phần giảm thiểu dị tật cho trẻ./.