Cận thị đang là tật khúc xạ phổ biến ở trẻ em, từ lâu có mối liên hệ với quá trình học tập và ngày càng tăng cao ở các lứa tuổi.
Cận thị vì thiếu sáng
Theo ThS. BS Trần Bá Thanh, Trưởng khoa sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế), thị lực phụ thuộc vào độ chiếu sáng, nếu lớp học thiếu ánh sáng, hoặc độ chiếu sáng không hợp lý sẽ làm học sinh (HS) nhanh mệt mỏi thị lực và dễ bị cận thị. Thiếu ánh sáng lâu dài gây suy giảm miễn dịch và chức năng hệ thần kinh, dẫn tới cận thị.
Qua các nghiên cứu ở Thừa Thiên Huế, thấy số trường học đạt tiêu chuẩn hoàn toàn về vệ sinh môi trường học tập là 40%; 10% phòng đạt tiêu chuẩn ánh sáng, 25% số phòng học ngược chiều ánh sáng. Cường độ ánh sáng phòng học có 82,5% đạt tiêu chuẩn, nhưng chỉ có 70% số phòng đạt độ rọi đồng đều trong phòng.
Tất cả các phòng học khảo sát đều lắp đèn điện, nhưng chỉ có 15% có 2 bóng đèn/phòng, 15% bố trí đèn sai quy cách, gắn đèn vào tường phòng học. Nhiều lớp học có cửa sổ, nhưng lại bị cây cối hoặc vật cản che khuất. Nhìn chung, chỉ có 1/20 (5%) phòng đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.
Còn nhiều yếu tố bất lợi khác nữa như tư thế ngồi học sai (cúi gầm, nhìn gần, nằm, quỳ học, nhìn gần liên tục, đọc sách truyện quá nhiều, dùng máy vi tính, chơi trò chơi điện tử quá mức…) đều ảnh hưởng đến cận thị. Bàn ghế học nếu bàn cao, ghế thấp sẽ làm khoảng cách giữa mắt và vở quá gần, buộc mắt phải điều tiết nhiều. Nếu bàn thấp, ghế cao HS phải cúi xuống để viết, máu đổ dồn vào hố mắt, đẩy thuỷ tinh thể phồng lên.
Việc học vào sáng sớm và chiều tối, hoặc nằm học cũng là những nguyên nhân gây cận thị. Nếu các thầy cô, cha mẹ ít quan tâm, nhắc nhở, HS sẽ thành thói quen và cận thị là khó tránh.
Học thêm nhiều dễ bị cận thị
Ths. BS Trần Bá Thanh cho biết thêm, thói quen ít ra ngoài trời dẫn tới nguy cơ cận thị cao gấp 9 lần so với HS hay sinh hoạt ngoài trời. Ngoài thời gian học ở trường, ở nhà, các em còn học thêm bên ngoài.
Thời gian rảnh thường dành xem tivi, chơi máy tính, trò chơi điện tử… mà không vui chơi giải trí, hoạt động thể lực. Điều này gây căng thẳng thần kinh dẫn đến nguy cơ cận thị. Ở nhóm HS học thêm (khảo sát ở tỉnh Thừa Thiên Huế) tỷ lệ cận thị (4,4%) cao hơn nhóm không đi học thêm (1,4%).
Tỉ lệ cận thị tăng theo cấp học, ở cấp THPT cao nhất (11,6%), Tiểu học thấp nhất (5,6%). Tỷ lệ cận thị lứa tuổi 16 là 9,25%; tuổi 17 là 9,54% và 9,91% ở lứa tuổi 18. HS nữ cận thị cao hơn nam (do HS nữ dành cho học và ở trong nhà nhiều hơn HS nam).
Những HS không tập thể dục có tỷ lệ cận thị cao hơn so với HS có tập thể dục, chơi thể thao bởi khi hoạt động ngoài trời có không gian rộng lớn, hoạt động cơ bắp nhiều, giảm gánh nặng thị giác, giảm điều tiết mắt nên giảm gia tăng cận thị.
Phòng cận thị học đường
Theo Ths. BS Trần Bá Thanh, cận thị học đường ảnh hưởng đến quá trình học tập, sự phát triển trong tương lai. Các sinh hoạt hàng ngày sẽ chậm chạp, dễ gây ra các tai nạn, một số các ngành nghề không chọn người mắt kém. Biến chứng nguy hiểm nhất của cận thị là bong võng mạc gây ra mù.
Để phòng tránh cận thị, việc đầu tiên cần tăng cường ánh sáng tự nhiên trong lớp học, giúp HS giảm mệt mỏi, ức chế. Nếu cần, bổ sung ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tóc (4 bóng/ phòng loại 150W-200W), đèn treo cách mặt bàn 2,8m, đảm bảo độ chiếu sáng đồng đều ở các vị trí, không sấp bóng và chói loá, độ rọi không dưới 100 lux và không quá 500 lux. Tránh không cho ánh sáng chiếu vào mắt. Góc học tập ở nhà cũng phải đủ ánh sáng (tự nhiên và nhân tạo). Bàn ghế phải phù hợp với kích thước của cơ thể HS, giúp trẻ có tư thế ngồi thoải mái, ngồi học được lâu, hạn chế các tật về mắt.
Thầy cô, cha mẹ cần khuyến khích HS tham gia thể dục, thể thao ngoài trời, nơi có không gian rộng lớn để hoạt động cơ gắp, giảm gánh nặng thị giác, giảm điều tiết mắt. Các thầy cô giáo chú ý giáo dục uốn nắn học sinh tư thế ngồi học đúng, khi đọc, viết phải giữ đúng khoảng cách từ mắt đến chữ là 35- 40cm.