Trong thực tế, nhiều trẻ thường có “tật” gãi tai. Có trẻ gãi tai mà không quấy khóc nhưng ngược lại, có trẻ vừa gãi tai kèm quấy khóc, trong khi mũi hoặc họng lại bị viêm… cha mẹ và những người giữ trẻ nên lưu ý, đừng nghĩ đơn giản chỉ là “ngứa rồi gãi mà thôi!”.
Bé hay gãi tai thường có một số nguyên nhân sau:
- Nếu chỉ hay gãi tai mà không quấy khóc thì hầu hết là do trong tai có ráy tai, nhất là ráy tai nằm sâu trong tai ba mẹ nhìn không thấy. Đối với những bé này, ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ tai mũi họng để lấy ráy tai, không nên cố lấy ở nhà vì dễ làm chấn thương tai bé.
- Một số ít là do bé có cơ địa dị ứng, những bé này khi khám tai không phát hiện gì nhưng vì bị dị ứng gì đó có thể bụi nhà, có thể do xà bông tắm gội hay giặt đồ…
- Bé có thể bị dị ứng thấy ngứa tai. Thường thì những bé này hay bị hắt hơi sổ mũi. Đối với trường hợp này, không nên cho bé nằm phòng máy lạnh, thử thay xà bông tắm gội cũng như xà bông giặt đồ, để ý thức ăn nào ăn xong ngày đó bé hay gãi tai thì nên tránh…
- Nếu hay đưa tay lên gãi tai kèm quấy khóc, trong khi mũi hoặc họng bé bị viêm thì coi chừng, vi trùng gây viêm mũi họng đã lên tai gây viêm tai giữa. Những bé này thường hay kèm sốt cao. Nên đưa đi khám bác sĩ tai mũi họng. Ngoài soi tai, bác sĩ sẽ cho bé đi đo nhĩ lượng đồ. Tùy theo kết quả nhĩ lượng đồ, bác sĩ sẽ biết bé mới bị tắc vòi nhĩ hay đã viêm tai giữa, nếu viêm tai giữa thì viêm ở mức độ nào, tai giữa có nhiều hay ít dịch… từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị chính xác.
BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY