Có nhiều tác nhân gây ra bệnh cúm ở mùa lạnh, có thể do virut hợp bào, các virut cúm mùa, song cũng có nhiều trường hợp do Rhino virut. Đây là một virut nằm trong nhóm các virut gây bệnh đường hô hấp cấp tính, nhưng nó khá lành tính, thường chỉ gây nên các triệu chứng của cảm lạnh thông thường và viêm đường hô hấp trên ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên cần cảnh giác với những đối tượng là trẻ em, người già bị suy dinh dưỡng, người mắc bệnh mạn tính có sức đề kháng kém.
Các virut gây viêm đường hô hấp có thể kết hợp với nhau làm bệnh nặng hơn
Bệnh do Rhino virut xuất hiện ở hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thời tiết mùa lạnh là điều kiện thuận lợi cho virut này xâm nhập và phát triển. Trẻ em bị nhiễm lạnh kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ có sức đề kháng kém vào mùa đông lạnh và ẩm rất dễ bị nhiễm các loại virut nói chung trong đó có Rhino virut, hoặc Rhino virut có thể đồng nhiễm hoặc bội nhiễm với các loại virut hoặc vi khuẩn khác. Chính trên những cơ địa như vậy lại càng làm cho bệnh nặng hơn và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Bệnh có thể phát triển mạnh ở nơi có mật độ dân cư cao, trong nhà ở chật hẹp và thiếu vệ sinh không khí. Thông thường, chỉ có một vài týp huyết thanh của Rhino virut lưu hành trong năm và sau đó lại được thay thế bởi các týp huyết thanh khác vào năm sau. Điều này giải thích tại sao những người đã bị mắc bệnh rồi nhưng vẫn tiếp tục mắc ở những năm tiếp theo.
Cũng cần lưu ý rằng những virut đường hô hấp khác như Corona virut, virus Coxsackie, virut hợp bào hô hấp, virut cúm C cũng có thể gây nên hội chứng cảm lạnh thông thường và có thể đồng nhiễm với Rhino virut và làm cho bệnh nặng hơn.
Cần đặc biệt quan tâm đến cách thức lây truyền
Virus Rhino lây trực tiếp từ người sang người do hít phải những hạt nhỏ li ti (aerosol) của dịch tiết đường hô hấp từ người bệnh trong khoảng cách gần. Lây gián tiếp qua bàn tay, khăn tay, đồ dùng, đồ chơi trẻ em, mặt bàn, ghế… bị nhiễm dịch mũi hoặc dịch tiết đường hô hấp có chứa virut từ người bệnh, sau đó tự chùi mũi, dụi mắt trong thói quen hằng ngày hoặc qua bàn tay và các đồ dùng liên quan đến chăm sóc trẻ bị nhiễm virut. Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng cách lây truyền gián tiếp là rất nguy hiểm và quan trọng mà mọi người ít chú ý đến.
Nếu bị bội nhiễm có thể gây ra viêm phổi, phế quản
Virut xâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp trên và thường chỉ giới hạn gây bệnh ở khu vực đó. Rhino virut hiếm khi gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới có thể do virut không thích hợp khi nhân lên ở 37oC. Sau khi mắc bệnh, cơ thể tạo được miễn dịch đặc hiệu týp huyết thanh và không có miễn dịch chéo với các týp khác. Miễn dịch bảo vệ của kháng thể tiết IgA có vai trò quan trọng hơn so với miễn dịch dịch thể.
Thời gian ủ bệnh từ 2 – 4 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng: sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho, đau đầu, đôi khi có cảm giác ớn lạnh, 1/3 số trường hợp có ho và khàn giọng. Các triệu chứng toàn thân khác là rất ít. Bệnh thường kéo dài khoảng 1 tuần rồi tự khỏi. Ở trẻ em suy dinh dưỡng, bị nhiễm lạnh kéo dài, suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phế quản phổi hoặc viêm phổi bội nhiễm với tình trạng nặng.
Trên lâm sàng rất khó phân biệt bệnh do Rhino virut với bệnh do các virut đường hô hấp khác. Chẩn đoán phòng thí nghiệm có thể dựa vào phân lập virut từ dịch tiết mũi họng trên nuôi cấy tế bào. Phản ứng huyết thanh ít khi được thực hiện. Gần đây, trong phòng thí nghiệm thường sử dụng kỹ thuật PCR để xác định gen đặc hiệu của virut cho kết quả nhanh và độ chính xác cao.
Biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả cao
Mọi người cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sử dụng khăn giấy có tẩm các chất diệt khuẩn như i-ốt loãng để làm sạch tay thường xuyên rất có tác dụng để hạn chế sự lây nhiễm.Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi. Sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi, họng, mắt hàng ngày như súc miệng bằng nước sát khuẩn hoặc dung dịch nước tỏi. Rỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hoặc các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường là cần thiết và hiệu quả trong phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tập trung đông người, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực có dịch. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. Giữ ấm không để bị nhiễm lạnh, đặc biệt ở trẻ em và người già. Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Chưa có thuốc đặc hiệu cho virus Rhino
Nói chung, bệnh do virus Rhino thường nhẹ và tự khỏi sau 1 tuần. Thường chỉ điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm ho, nâng cao thể trạng, nằm nghỉ ngơi. Hiện nay không có thuốc đặc hiệu nào cho Rhino virut. Trên thực nghiệm lâm sàng người ta dùng khí dung thuốc interferon-alpha 2b và Ipratropium đường mũi kết hợp với uống naproxen cho kết quả tốt. Vấn đề nghiên cứu và sử dụng vaccin phòng bệnh Rhino trong cộng đồng cũng chưa có và không khả thi vì virut có hơn 100 týp huyết thanh khác nhau và miễn dịch thu được là đặc hiệu týp, không có miễn dịch chéo giữa các týp huyết thanh.
TS. Trần Như Dương