Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặt biệt ở trẻ em có nguy cơ bỏ quên dị vật, khó chẩn đoán. Uớc tính mỗi năm có 1.500 bệnh nhân tử vong liên quan đến dị vật đường thở, đáng chú ý là tỷ lệ tử vong khá cao ở trẻ từ 1- 6 tuổi.
Dị vật đường thở, đường ăn là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Hay gặp nhiều nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì… mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc… Đây là một cấp cứu nội – ngoại khoa, tiên lượng điều trị phụ thuộc vào bản chất dị vật và quá trình điều trị sớm hay muộn. Cho đến hiện nay, nội soi là phương pháp điều trị an toàn và cơ bản nhất.
Nguyên nhân
Dị vật đường thở là một cấp cứu nội – ngoại khoa, do đó việc tiến hành cấp cứu càng nhanh càng tốt, trong đó việc sơ cứu ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên các cấp cứu ban đầu này chỉ áp dụng trong trường hợp tối khẩn cấp vì nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong.
Bệnh nhân đang ăn hoặc ngậm dị vật trong mồm, đặc biệt trẻ em có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng, hoặc ở một số người lớn do thói quen cũng ngậm một số dụng cụ nhỏ vào miệng nhất là hay ngậm tăm trước khi đi ngủ; vì một lý do nào đó làm bệnh nhân hít mạnh dị vật theo luồng không khí rơi vào đường thở.
Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh, đột ngột nhất là trẻ ăn khi đang khóc hoặc đang cười, đang mải nô đùa; đặc biệt một số người có thói quen bịt mũi ép trẻ ăn hoặc cho trẻ ăn trong khi đang ngủ là những điều kiện hết sức thuận lợi cho dị vật vào đường thở.
Do tai biến phẫu thuật: khi gây mê, răng giả rơi vào đường thở, mảnh V.A khi nạo, khi lấy dị vật ở mũi bị rơi vào họng và rơi vào đường thở.
Ngoài ra còn có thể do một số nguyên nhân và tác nhân khác như: do bị liệt hầu họng mà vẫn cho ăn đường miệng, do phản xạ đóng mở thanh môn chưa hoàn chỉnh; người lớn chủ quan, cẩu thả trong việc ăn uống của trẻ; một số nơi có thói quen uống nước sông, nước suối trong quá trình tắm gây dị vật sống vào đường thở…
Biểu hiện của bệnh
Bệnh nhân đang ngậm hoặc đang ăn đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát, vã mồ hôi, có khi đái ỉa cả ra quần. Đó là hội chứng xâm nhập xảy ra khi dị vật qua thanh quản, niêm mạc bị kích thích, chức năng phản xạ bảo vệ đường thở của thanh quản được huy động để tống dị vật ra ngoài. Sau quá trình này, có thể bệnh nhân sẽ tử vong do ngạt thở, nhưng cũng có thể dị vật được đẩy ra ngoài, bệnh nhân trở về bình thường. Một số trường hợp khác dị vật có thể mắc kẹt nhưng bệnh nhân không tử vong. Tuỳ theo vị trí mắc kẹt của dị vật, tính chất của dị vật và thời gian bệnh nhân đến khám, sẽ có các triệu chứng khác nhau.
Dị vật ở thanh quản: nếu dị vật dạng tròn như viên thuốc, đường kính khoảng 5mm trở lên bị mắc kẹt ở buồng Morgagni trẻ sẽ bị ngạt thở và có thể tử vong ngay lập tức nếu không được xử trí kịp thời. Với các dị vật dài, sù sì, to hoặc mỏng bệnh nhân sẽ xuất hiện khàn tiếng và khó thở, mức độ khàn tiếng và khó thở phụ thuộc vào phần thanh môn bị che lấp. Tuy nhiên có một điểm đáng chú ý, dị vật ở thanh quản rất dễ làm xuất hiện cơn co thắt thanh quản gây khó thở nặng thêm, bệnh nhân rất dễ tử vong.
Dị vật khí quản: thường là dị vật tương đối lớn, lọt qua thanh quản không lọt qua phế quản được. Có thể dị vật cắm vào thành khí quản sẽ không di động, nhưng hầu hết dị vật khí quản là di động, dễ gây biến chứng nguy hiểm do dị vật theo luồng khí lên xuống mắc lại ở hạ thanh môn làm bệnh nhân ngạt thở và tử vong. Bệnh nhân có biểu hiện ho, khó thở từng cơn sau đó lại bình thường.
Dị vật ở phế quản: Thường ở phế quản bên phải nhiều hơn vì phế quản này có khẩu độ to hơn và chếch hơn phế quản bên trái. Hay gặp là dị vật cố định, ít khi gặp dị vật di động. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sau 3 – 5 ngày sẽ xuất hiện các biến chứng ở phổi như viêm phế quản – phổi, áp xe phổi, xẹp phổi…
Ngày nay chẩn đoán chủ yếu dựa vào nội soi thanh – khí – phế quản, đây là biện pháp quan trọng vừa giúp chẩn đoán vừa để điều trị. Nếu ở cơ sở y tế chưa được trang bị thì có thể chẩn đoán dựa vào chụp Xquang – tuy nhiên giá trị chẩn đoán cũng hạn chế, chỉ có thể xác định tương đối chính xác khi dị vật cản quang.
Biến chứng nào có thể xảy ra?
Có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, nó tùy thuộc vào bản chất dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được khám điều trị sớm hay muộn
Nếu dị vật là chất hữu cơ, hạt thực vật, ngấm nước trương to ra, gây nhiễm trùng và ứ đọng xuất tiết, nguy hiểm hơn dị vật kim khí nhẵn, sạch.
Tuổi của bệnh nhân trẻ càng nhỏ càng nguy hiểm. Có khi dị vật được lấy ra khá nhanh chóng vẫn không cứu được bệnh nhi vì bị viêm phế quản-phổi cấp rất nặng.
Bên cạnh đó nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm thì dễ lấy dị vật, ít biến chứng nhưng nếu đến muộn, đã có phản ứng viêm phù nề tổ chức, nhiều biến chứng sẽ xảy ra, lấy dị vật khó hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Một số biến chứng hay gặp là: Tử vong do ngạt thở cấp, viêm phế quản, phế quản phế viêm; Xẹp phổi áp xe phổi, tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ vào màng phổi; Tràn khí màng phổi, trung thất; Giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày; Sẹo hẹp thanh quản.
Điều trị như thế nào?
Dị vật đường thở là một cấp cứu nội – ngoại khoa, do đó việc tiến hành cấp cứu càng nhanh càng tốt, trong đó việc sơ cứu ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên các cấp cứu ban đầu này chỉ áp dụng trong trường hợp tối khẩn cấp vì nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong.
Đối với dị vật là chất lỏng (sữa, bột…): nhanh chóng khai thông đường thở, ngay lập tức nắm 2 cổ chân trẻ đưa lên cao, đầu hướng xuống dưới, tay kia vỗ mạnh lưng trẻ để làm trẻ khóc mạnh lên.
Đối với dị vật không phải chất lỏng: tùy theo độ tuổi của bệnh nhân mà tiến hành làm nghiệm pháp Hemlich ở các tư thế khác nhau.
Với trẻ dưới 1 tuổi, cấp cứu đầu tiên khi bị ngạt là nên thổi ngược lại vì nếu làm nghiệm pháp Hemlich có thể gây ra chấn thương bụng.
Với trẻ lớn hơn 1 tuổi thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở tư thế nằm
Với trẻ lớn hoặc người lớn thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở 3 tư thế đứng, ngồi, hoặc nằm.
Hemlich tư thế nằm: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau đè ngay vùng thượng vị, rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn
Hemlich ngồi hoặc đứng: người cứu nạn đứng sau lưng nạn nhân, đưa tay ra trước qua hông đặt trước vùng thượng vị, 2 tay chồng lên nhau, cho lưng nạn nhân dựa vào ngực người cứu nạn, sau đó ép mạnh vùng thượng vị nạn nhân từng đợt (ép 4-5 cái 1 lần).
Nếu nghiệm pháp Hemlich 3 lần không thành công, lập tức hô hấp nhân tạo ngay với hy vọng đẩy dị vật xuống để đường thở phần nào được lưu thông.
Chọc kim qua màng nhẫn giáp hoặc mở khí quản cấp cứu một thì, nếu các biện pháp trên không kết quả. Tuy nhiên điều này chỉ được tiến hành khi ở cơ sở y tế hoặc ở người có kinh nghiệm.
Trong các trường hợp khác khi dị vật không có nguy cơ gây tử vong mà chỉ làm bệnh nhân khò khè, khó thở cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và can thiệp điều trị kịp thời bằng nội soi thanh – khí – phế quản.
Dự phòng
Đối với trẻ em: không để các vật dụng, đồ chơi, đặc biệt loại có kích thước nhỏ gần trẻ khi không có người lớn bên cạnh. Cẩn thận trong việc ăn uống của trẻ, không được bịt mũi để ép trẻ ăn hoặc cho trẻ ăn trong khi đang ngủ, không cho trẻ ăn các loại thức ăn có hạt dễ hóc như na, lạc, quất, hạt bí, hạt dưa… Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
Người lớn: tránh các tập quán ăn uống không tốt như ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa…
Hướng dẫn rộng rãi cho cộng đồng cách làm nghiệm pháp Hemlich, khai thông đường hô hấp khi bị dị vật dường thở.
Nhanh chóng chuyển bệnh nhân bị dị vật đường thở, đường ăn đến bệnh viện, không chủ quan điều trị theo kinh nghiệm dân gian.