Các dịp nghỉ lễ, tết không chỉ là thời điểm để xả stress và hồi phục sức lực mà còn là lúc để trẻ vui chơi và khám phá cuộc sống. Tuy nhiên, đó lại là lúc nhiều phụ huynh lo lắng và lúng túng khi con em mình bước vào kì nghỉ tết.
“Sợ” như con được nghỉ Tết
Tôi có anh bạn cứ hễ thấy tiếng ve râm ran gọi hè là y như rằng lại tính xem hè này ghi danh cho con vào lớp võ, vẽ, tiếng Anh…hay đưa về quê cho ông bà nội quản. Ấy là ngày hè tháng rộng, ngày dài chứ thực sự dịp Tết nguyên đán (tuy chỉ có một tuần lễ) nhưng cũng đủ làm anh lúng túng không biết giữ con như thế nào.
Trước đây, cuộc sống của mỗi gia đình còn “tự cấp, tự túc” từ chất đốt, nước sinh hoạt, tăng gia sản xuất… nên trẻ em luôn tay, luôn chân khiến bố mẹ rất yên tâm. Ngày nay, dù là bận rộn như ngày tết thì quanh đi quẩn lại cũng không đủ để giữ chân trẻ bởi mọi cái đã có dịch vụ tận nơi. Mặt khác, trong cuộc sống hàng ngày các em cũng ít khi nhúng tay vào các công việc nhà cửa nên sự vụng về, ẩu đoảng khiến cha mẹ khó chịu. Từ đó có hẳn một quỹ thời gian đủ để các cô bé, cậu bé thực hiện những gì mà cả năm háo hức. Được dùng xe máy của bố mẹ, được tụ tập, có thêm tiền mừng tuổi và quan trọng nhất là tận dụng mọi sự rộng rãi trong sinh hoạt ngày tết. Không thiếu những trường hợp chỉ trong mấy ngày xuân mà xảy ra lình xình đủ chuyện: vi phạm luật giao thông, say xỉn dẫn đến đụng xe, thậm chí còn bài bạc, đánh nhau. Bởi thế mà có thể hiểu rằng không có gì đáng sợ và đáng ngại như mỗi dịp con được nghỉ tết. Từ chỗ ngày ngày đi học khuất mắt bỗng dưng quậy phá làm đau đầu cha mẹ.
Thay đổi cách quản lý con cái
Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề có vẻ nan giải này lại xuất phát từ các ông bố, bà mẹ. Tưởng như, các vị chỉ là nạn nhân nhưng kì thực lại vô tình là nguyên nhân sâu xa tiềm ẩn. Lâu nay, trẻ luôn được lập trình theo một lịch hoạt động kín mít là học chính, học thêm, học vẽ, võ, tiếng Anh, đàn hát…mà chưa thực sự được học để có một cuộc sống tự chủ. Phụ huynh thấy con học nhiều càng yên tâm vì nâng cao được kiến thức và nhẹ gánh về quản lý.
Tuy nhiên, khi vòng quay ấy dừng lại một cách hiển nhiên (như các dịp lễ tết) thì cha mẹ mới thực sự đau đầu và lúng túng. Thói quen bao cấp “tận chân răng” và vô cảm với cuộc sống thường nhật đã khiến nhiều em cảm thấy nhạt nhẽo khi về nhà và dễ va vấp với những thói hư tật xấu ngoài xã hội. Không hẳn đây chỉ là khoảng thời gian học sinh nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường mà cái chính là bản thân mỗi gia đình cần phải có một cái nhìn đúng đắn trong cách giáo dục con cái. Hãy dạy cho trẻ biết chăm chỉ học hành và có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Đừng quá ỷ lại vào nhà trường, đừng dựa hơi vào việc học để quản lý con cái để đến lúc chính bản thân mình phải đối mặt với những hoàn cảnh khó xử. Có lẽ, chỉ khi nào ý thức được những điều ấy thì mỗi kì nghỉ lễ, tết mới thực sự thành một dịp vui chơi thú vị, bổ ích cho các em và làm yên lòng cha mẹ.