Rét đậm liên tục trong những ngày qua đã làm gia tăng các bệnh da liễu. Tại Viện Da liễu T.Ư, số lượng người lớn và trẻ em nhập viện có xu hướng tăng.
Xếp hàng khám bệnh “ngứa”
Khoa khám bệnh, Viện Da liễu T.Ư, sáng nay 5.1, rất nhiều bệnh nhân xếp hàng co ro chờ đến lượt khám. Tại phòng khám số 7 của bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Minh Hằng, số bệnh nhân đến khám mỗi lúc một đông.
Chị Bùi Thị Thu (Tân Yên, Bắc Giang) bị nổi mụn nước trên đầu các ngón tay, chân rồi tự vỡ, sau đó xuất hiện vảy sần sùi bong ra liên tục. Mấy ngày rét, mụn xuất hiện nhiều hơn, xuất tiết nhiều dịch viêm và xung quanh bị phù nề khiến chân tay ngứa ngáy liên tục.
Cứ đến mùa rét, tay chị Đinh Thúy lại trở nên khô ráp, sần sùi với những vảy da bong tróc thường xuyên. Điều trị nhiều nơi nhưng tình hình không mấy khả quan. Chị gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như việc giặt giũ, động chạm chân tay vào việc nấu nướng.
Không chỉ người lớn, nhiều trẻ nhỏ cũng nhập viện trong tình trạng da ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ. Ngồi trùm kín từ đầu đến chân, vợ chồng chị Liên đang ôm con đợi đến lượt tái khám. Anh Thành- chồng chị cho hay, hai vợ chồng vượt trời rét mướt đưa con nhỏ 3 tháng tuổi đi chữa bệnh. Mới có vài ngày giá rét, anh chị phải chuyển cháu qua Viện Nhi T.Ư rồi chuyển qua Viện Da liễu Quốc gia. Trước đó, gia đình có tự bôi thuốc điều trị nhưng vết đỏ không giảm đi, xuất hiện thêm nhiều vết mới.
Theo BS Hằng, do ảnh hưởng thất thường của thời tiết, bệnh nhân chủ yếu bị một số triệu chứng phát ban đỏ, vẩy cá, á sừng đặc biệt xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc tổ đỉa hay còn gọi là viêm da cơ địa… Bên cạnh đó các biểu hiện khô da, ngứa ngáy, nứt nẻ gót chân, khô môi, mề đay.. cũng là những trường hợp mắc phổ biến.
Hạn chế tiếp xúc hóa chất
Nhiệt độ lạnh khắc nghiệt làm da mất nước, các chất bảo vệ, bã mồ hôi giảm đi dẫn tới khô và nứt nẻ. Các bác sĩ khuyến cáo, những người có cơ địa da khô thì không nên tiếp xúc với các chất tẩy rửa, xà phòng, dầu gội. Nếu cần phải sử dụng găng tay, hạn chế tối đa việc da tiếp cận các chất có hại. Đồng thời, chú ý giữ gìn, chăm sóc da giữ ẩm cho da. Chế độ ăn uống cũng cần chú ý uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây.
BS Hằng cũng cho rằng, việc thức khuya gây căng thẳng thần kinh và chế độ ăn uống thất thường góp phần làm gia tăng các bệnh về da. Vì vậy, cần sắp xếp chế độ làm việc và ăn uống hợp lý, khoa học.
Đối với trẻ em bị viêm da, mẩn ngứa giai đoạn đầu thường không có biểu hiện quấy khóc nên cha mẹ không phát hiện kịp thời. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và các biểu hiện của trẻ, giữ vệ sinh thân thể, sử dụng các loại quần áo, tất mềm không gây hại cho da. Đặc biệt, không tự ý cho trẻ các loại sản phẩm chống khô da khi chưa có chỉ định của bác sĩ.