Thấy bé Đạt bị sưng các khớp tay, chân, bố mẹ em tưởng con bị côn trùng đốt nên chỉ lấy thuốc bôi. Cả tuần sau con vẫn không đỡ, họ đưa bé đi chữa thày lang nhưng cũng chẳng ăn thua.
Ba tháng sau, bé Đạt quấy khóc, kêu đau, không thể đứng, đi thì mới được đưa đến Viện nhi trung ương.
Đang nằm điều trị tại Khoa dị ứng, khớp, miễn dịch lâm sàng, bé Phùng Tiến Đạt, 2 tuổi (Sơn Tây, Hà Nội) là một trong những bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh viêm khớp thanh thiếu niên tự miễn. Hiện tại, sau một thời gian dài điều trị, bé đã đỡ đau, có thể đi lại được nhưng các khớp vẫn còn sưng.
Theo tiến sĩ Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa dị ứng, khớp, miễn dịch lâm sàng, viêm khớp tự miễn thanh thiếu niên thuộc nhóm bệnh tự miễn dịch, chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em. Bệnh này không hiếm gặp nhưng rất ít phụ huynh hiểu biết về nó nên đa số trẻ thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn. Một số em được đi khám, chữa hằng năm trời ở nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh, dẫn tới bệnh tiến triển nặng, điều trị rất khó.
Trường hợp của cháu Đàm Văn Tuấn (dân tộc Tày, Cao Bằng) là một điển hình. Hơn một năm trước, thấy con kêu đau khớp trái, khớp háng, rồi sau đó đến cột sống bố mẹ em nghĩ do con đang tuổi lớn (14 tuổi), vận động nhiều nên không để ý. Mấy tháng sau, Tuấn đau đến nỗi không thể ngồi hay chạy được nữa. Em được đưa đến bệnh viện tỉnh khám, điều trị, đã đỡ nhưng sau khi về nhà vẫn đau lại nên được giới thiệu xuống viện Nhi.
Trường hợp khác, cháu Vũ Thị Trang, 11 tuổi ở Hải Dương cũng tương tự. Hơn hai tháng trước, Trang bị đau họng, đau hết các khớp chân, tay, đồng thời sốt kéo dài. Em được bố mẹ đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh nhưng các bác sĩ không thể chẩn đoán ra bệnh gì. Sau đó, em được chuyển lên khoa Lây, viện Nhi điều trị gần một tháng nhưng các dấu hiệu trên cũng không đỡ nên mới vào khoa Dị ứng miễn dịch khám và phát hiện bị viêm đa khớp tự phát. Sau đợt điều trị, bé Trang đã khỏi đau và đỡ sưng khớp.
Bác sĩ Minh Hương cho biết, ở trẻ em, có thể có nhiều loại đau khớp. Rất nhiều trẻ thấy đau mỏi người, khớp, xương là do tuổi phát triển, phát triển quá nhanh, chẳng hạn mới 4 tuổi nhưng đã cao to như bé 6 tuổi. Khi đó, cơ và các đầu dây chằng giãn ra khiến trẻ cảm thấy đau, mỏi. Những trường hợp này chỉ cần điều trị bằng canxi kết hợp với chế độ vận động hợp lý.
Dạng viêm khớp tự mắc ở trẻ em có những biểu hiện đặc trưng là kéo dài trên 6 tuần, trẻ bị sưng, đau biến dạng khớp…
Trẻ bị viêm khớp dạng này có thể bị cứng khớp, sưng, tràn dịch khớp, đau. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi, trước khi bị sưng khớp (thuộc thể bệnh hệ thống).
Theo bác sĩ Hương, nếu được phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách (bằng thuốc, kết hợp hướng dẫn vận động), đa số các bệnh nhi bị viêm khớp tự phát có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu không chữa, bệnh có thể gây các biến chứng nặng như biến dạng khớp, khó vận động, thậm chí không thể vận động được, khiến quá trình điều trị rất khó khăn và kéo dài.
“Bởi vậy, ngay khi thấy trẻ có những biểu hiện của dạng viêm khớp này, bố mẹ cần đưa con đi khám đúng chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ khuyên.